Kích cầu du lịch nội địa: Các tỉnh sẽ cạnh tranh rất gay gắt
Tại Diễn đàn du lịch Huế và liên kết kích cầu du lịch 3 tỉnh miền Trung do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Du lịch tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức sáng nay 31/5 tại Thành phố Huế, ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết Sở đã khảo sát 4.000 đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận tải...
Qua khảo sát cho thấy tháng 2, 3/2020 - thời gian diễn ra dịch - vẫn có 10.000 khách quốc tế lưu trú và hiện vẫn còn 5.000 khách đang ở đây. Kết quả 5 tháng đầu năm, khách du lịch đến Huế giảm 52%, lượt khách lưu trú giảm 51%, và doanh thu từ du lịch giảm 54%.
Trong thời gian nghỉ dịch, theo khảo sát của Sở Du lịch Huế, 32% cơ sở lưu trú đang nâng cấp và hơn 30% DN lữ hành đã gặp gỡ để có những hoạt động liên kết với nhau. Đây là một xu hướng rất khả quan.
Theo ông Giang, với việc kích cầu nội địa sẽ rất khó khăn thời gian tới vì các tỉnh sẽ cạnh tranh rất gay gắt. Do vậy, Huế có những định hướng riêng để kích cầu du lịch tỉnh nhà, ví dụ như cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch mới đã xuất hiện ở Huế như du lịch sinh thái, cộng đồng; xác định du lịch MICE sẽ là mũi nhọn của Huế.
Bên cạnh đó, tập trung vào các sản phẩm gắn với thương hiệu Huế. Sở Du lịch đang chủ trì xây dựng Huế trở thành kinh đô ẩm thực. Loại hình du lịch ẩm thực: cung đình, dân gian và chay thời gian tới.
Ngoài ra, truyền thông tập trung vào e-marketing, tạo những video clip đẹp từ blogger, famtrip, cổng visithue sẽ quảng bá tất cả các đơn vị lưu trú và lữ hành.
Tại diễn đàn, nói về hướng phát triển du lịch của doanh nghiệp đến Thừa Thiên Huế và miền Trung, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vietravel cho biết, Vietravel đã có kinh nghiệm đồng hành cùng địa phương triển khai nhiều dự án thiết thực nhằm thúc đẩy du lịch địa phương.
Sau đại dịch COVID-19, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp du lịch, lanh đạo Viettravel đã đưa ra một số ý kiến nhằm khôi phục và phát triển ngành du lịch.
Thứ nhất, cần làm mới ngay sản phẩm du lịch Huế. Huế có vị trí và cơ sở vật chất lẫn tinh thần, thiên nhiên tạo ra những đặc trưng riêng cho sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh duy tu bảo dưỡng các sản phẩm đang có, cần có những sản phẩm liên kết với các tỉnh bạn vì du khách sau khi đến Huế 1 lần không muốn quay lại.
Vì vậy, cần có những sản phẩm liên kết đa dạng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc duy tu, bảo dưỡng các công trình du lịch sẵn có, Huế cần phải đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch Huế.
Huế cần khai thác thế mạnh biển, hệ thống đầm phá để thêm những điểm mới, bổ sung vào tour du lịch Huế. Tỉnh nên kêu gọi đầu tư các loại hình du lịch giải trí, trung tâm thương mại có tính tập trung, tránh tình trạng manh mún, chặt chém du khách. Ngoài ra, cần xây dựng thêm khu phố văn hóa ẩm thực để du khách có thể thưởng thức món ăn truyền thống Huế.
Thứ hai, hợp tác và liên kết liên ngành, liên vùng là xu hướng để thúc đẩy du lịch phát triển. Vấn đề này chưa được phát huy tại Huế làm cho nền du lịch địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung chưa phát huy được nét riêng. Huế cần liên kết với du lịch địa phương khác như Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam…
Cuối cùng, công tác truyền thông nên tập trung truyền tải thông điệp Huế là thành phố an toàn nhằm xóa bỏ tâm lí e ngại khi đi du lịch của du khách. Nêu ra thông điệp rằng đây là thời điểm vàng để du lịch đến Huế bởi sự an toàn, giá cả và dịch vụ tốt nhất.
Cần khuyến khích các đoàn khách đông từ hàng trăm đến hàng nghìn người, tạo hiệu ứng lớn
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay du lịch là ngành rất nhạy cảm trong các cuộc khủng hoảng nhưng du lịch cũng sẽ là ngành hồi phục nhanh nhất.
"Những người làm du lịch đang chủ động để phục hồi. Những chương trình kích cầu trong cả nước chứng minh điều đó. Hợp tác 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam là một hình mẫu trong cả nước", ông Bình nói và cho biết thêm, việc công bố kích cầu là một ví dụ tốt sẽ thúc đẩy du lịch.
Theo ông Bình, trong giai đoạn trước mắt, du lịch nội địa đang được thúc đẩy. Các địa phương cần khuyến khích các đoàn khách đông từ hàng trăm đến hàng nghìn người, tạo hiệu ứng lớn.
"Để giảm chi phí thấp cho các tour nội địa, các bên phải vào cuộc. Các điểm đến phải hạ giá, miễn phí. Nhưng giảm giá không có nghĩa là hạ chất lượng, dịch vụ vẫn phải đảm bảo. Thu hút du khách chi tiêu cao, với chất lượng cao. Những sản phẩm mới và dịch vụ mới cũng phải được xét đến, ví dụ: Huế trở thành "kinh đô" ẩm thực...", Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Từ đó, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với các hãng hàng không để đưa khách đến nhiều hơn. Vietravel Airlines cũng đã chọn Huế làm văn phòng chính. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tất cả những điều trên phải được làm một cách đồng bộ, để kích cầu hiệu quả, tạo ra vị thế cho du lịch miền Trung.
Tại diễn đàn, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giới thiệu chuỗi lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch và các chương trình lớn của Festival Huế 2020.
Ông Hải cho biết, từ 1/7 đến 30/9 giảm 50% phí tham quan các điểm tham quan tại Huế. Từ 1/8 đến cuối năm tiếp tục giảm 35% giá tất cả các điểm tham quan.
Lễ hội điện Hòn Chén từ 26-28/8/2020 thu hút hàng vạn người tham gia hàng năm. Đầu tuần tới sẽ khánh thành chính thức.
28/8 cũng là ngày bắt đầu Festival Huế 2020 với nhiều hoạt động như thực hiện các chương trình Kinh đô ẩm thực và kinh đô áo dài; nhạc hội EDM, lễ hội đường phố, hội chợ thương mại, chương trình áo dài nghệ thuật, hội thảo áo dài tổ chức ở nhiều địa phương.
Về hoạt động thể thao, sẽ có hàng loạt hoạt động tại Huế từ tháng 7 đến tháng 12; ngày 6/9 là giải Marathon quốc tế, hiện đã có 3.000 người đăng kí tham gia. Bên cạnh đó còn có các giải vô địch bắn cung, đá cầu bãi biển, judo, các giải bóng đá quốc gia sẽ diễn ra tại Huế trong năm nay...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/