Làm sao không giảm giá mà kích cầu được du lịch?
Đã 4 tuần qua Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, các lệnh hạn chế đi lại và cách li xã hội do vậy đã được nới lỏng đáng kể.
Từ 0h ngày 8/5, hoạt động vận tải hành khách trong nước chính thức trở lại bình thường, các hãng hàng không có thể mở bán 100% số ghế, không cần phải để ghế trống giữa hai hành khách cùng hàng.
Cũng trong ngày 8/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm kích cầu du lịch nội địa. Theo kế hoạch chương trình do Thứ trưởng Lê Quang Tùng kí ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch được giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình kích cầu/khuyến mại/giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với khách du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải xây dựng môi trường du lịch vệ sinh, văn minh, thân thiện và thực hiện tốt các qui định về an toàn trong phòng chống dịch.
'Gia tăng giá trị cho du khách'
Tại sự kiện "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" tổ chức chiều 16/5 tại Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) cho rằng giới truyền thông và người dân không nên mặc định nghĩ rằng kích cầu du lịch nghĩa là giảm giá hay giá rẻ.
Khi được hỏi làm thế nào để kích cầu mà không cần giảm giá, ông Trần Trọng Kiên cho biết các doanh nghiệp trong ngành du lịch có thể gia tăng giá trị cho khách hàng với mức giá như cũ, chẳng hạn như mua một đêm nghỉ khách sạn thì được tặng thêm một đêm.
Ông Kiên lấy ví dụ khác: "Thiên Minh Group có một du thuyền trước đây chủ yếu phục vụ khách nước ngoài từ Việt Nam sang Campuchia. Trong thời dịch hiện nay, chúng tôi dùng du thuyền này cho chặng Cần Thơ – Châu Đốc và ngược lại, 4 ngày 3 đêm. Trước kia khách phải tự trả tiền vé máy bay đến và về nhưng hôm nay nếu các bạn đặt tour này thì sẽ được miễn phí vé máy bay Bamboo Airways. Ngoài ra chúng tôi có thể thêm những giá trị khác như bữa ăn, 1-2 đêm ở khách sạn Victoria, …".
"Như vậy chúng ta không nhất thiết cứ phải giảm giá, chúng ta đưa thêm các dịch vụ để người dân có nhiều cơ hội thưởng thức sản phẩm du lịch hơn", ông Kiên – người đồng thời là Chủ tịch CTCP Du lịch Thiên Minh, phát biểu.
Ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết hãng hàng không này đã tung ra nhiều gói khuyến mãi để kích thích nhu cầu đi lại của hành khách như các chương trình chào hè, gói sản phẩm bay không giới hạn (Unlimited Pass). Do tạm thời không thể thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế nên Bamboo cũng chú trọng hơn trong khai thác các đường bay trong nước, phục vụ du lịch nội địa.
"Với Bamboo Airways, thời gian qua chúng tôi tập trung vào cải thiện dịch vụ và chất lượng chứ không muốn nói quá nhiều về yếu tố giá rẻ", ông Thắng nói.
Không thể thiếu giảm giá
Tuy nhiên, đa phần các ý kiến tham luận khác tại Hội nghị chiều 16/5 đều cho rằng giảm giá dịch vụ là biện pháp không thể thiếu để kích thích nhu cầu du lịch của người dân sau dịch.
Ông Phan Thiên Định - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong giai đoạn từ nghỉ lễ 30/4 tới 7/5, tỉnh đã miễn phí vé tham quan khu vực Đại Nội. Tiếp đến, UBND tỉnh đã đề nghị Hội đồng nhân dân quyết định giảm 50% phí tham quan từ ngày 8/5 đến 31/7. Sau đó, UBND tỉnh được phép chủ động giảm phí.
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì cho biết HĐND tỉnh mới đây đã ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu du lịch với nhiều ưu đãi như miễn giảm lệ phí với tất cả khách đến tham quan Hạ Long, khu du tích Yên Tử, …
Tỉnh Quảng Ninh còn hỗ trợ tuyến xe bus từ sân bay Vân Đồn đến Uông Bí, trước khi có dịch COVID-19, tuyến bus này chỉ chạy đến Hạ Long. Theo ông Huy, số tiền hỗ trợ lên tới 200 tỉ đồng trong hai tháng. Sau hai tháng này, tùy tình hình mà tỉnh sẽ đề ra các giải pháp tiếp theo.
Sở Du lịch Nghệ An cũng cam kết giảm tới 40% giá dịch vụ lưu trú; giảm 20-30% giá dịch vụ nhà hàng, vui chơi, giải trí; giảm 30-40% giá dịch vụ lữ hành, vận chuyển.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho rằng việc giảm giá dịch vụ cần có kịch bản và sự điều phối thống nhất, không để mạnh ai nấy làm. Các công ty hàng không, lữ hành, vận chuyển … nên đẩy mạnh "kết bè" với nhau để tạo ra các gói dịch vụ hấp dẫn, lấy lượng khách để bù vào doanh thu.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng cũng cho rằng muốn làm du lịch tốt cần có sự liên kết với nhau như hàng không chia sẻ khó khăn với khách sạn, nhà hàng. Nếu không liên kết, không chia sẻ, tất cả sẽ sụp đổ rất nhanh chóng. "Chúng tôi mong sự liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương với các bộ, ban, ngành sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, để những chính sách kích cầu được thực hiện tốt hơn", Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.
Nhận định về triển vọng ngành du lịch, ông Tùng cho rằng từ nay đến cuối năm 2020 ngành này chỉ có thể hồi phục được một phần của năm 2019 chứ không thể bằng được. Tương lai ngành du lịch sẽ còn khó khăn cho đến năm 2021 tới khi các ngành kinh tế khác hoạt động lại bình thường, người lao động có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.