|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Quyết: Khi đi thăm bãi gửi xe, tôi thấy cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam sau dịch

18:17 | 16/05/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại với Tập đoàn FLC nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung nhưng Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng cho rằng sau khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch, cơ hội để ngành du lịch hồi phục là rất lớn.
Ông Trịnh Văn Quyết: Khi đi thăm bãi gửi xe, tôi thấy cơ hội cho du lịch Việt Nam sau dịch - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways phát biểu chiều 16/5. Ảnh: Đức Quyền.

Chiều nay 16/5 tại Khu du lịch FLC Sầm Sơn đã diễn ra Hội nghị "Thời điểm vàng để khám phá vẻ đẹp Việt". Phát biểu tại sự kiện, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng lúc nào cũng là thời điểm vàng để khám phá vẻ đẹp của Việt Nam.

Tuy nhiên hiện nay là thời điểm đặc biệt thích hợp để kích thích nhu cầu du lịch trong nước vì Việt Nam vừa kiểm soát thành công dịch COVID-19, nhu cầu đi "du lịch bù" của người dân sau thời gian giãn cách xã hội là rất lớn, Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định.

Ông Quyết cho biết ông từng đi du lịch nhiều nước trên thế giới nhưng thấy không đâu đẹp bằng Việt Nam. "Tôi chỉ thích đi du lịch trên hình chữ S của đất nước Việt Nam. Nhiều địa điểm du lịch trên thế giới được khen là đẹp tuyệt vời như bãi biển Miami (Mỹ) nhưng tôi thấy không tuyệt vời, còn kém xa các bãi biển của Việt Nam".

Thêm vào đó, Việt Nam hiện nay còn có thêm ưu thế là đã khống chế được dịch COVID-19, trở thành điểm đến không chỉ đẹp, an toàn về an ninh mà còn an toàn về y tế. Ông Quyết cho biết ông thường đi thăm các bãi gửi xe tại các khu resort của Tập đoàn FLC để ước tính số lượng khách đến lưu trú.

"Từ đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua tôi đã thấy người dân đi du lịch rất đông, xe cộ xếp hàng dài cả cây số, trong đó có những chiếc xe ô tô hạng sang trị giá hàng triệu USD mà 5 năm nay không thấy", ông Quyết nói.

Việt Nam đã khống chế được dịch, nhiều tuần qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng trong khi các nước khác vẫn chưa an toàn. Người dân không thể đi du lịch nước ngoài được và do vậy phải đi du lịch trong nước.

"Dịch COVID-19 này hóa ra cũng mang lại cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam", ông Trịnh Văn Quyết nhận định.

Ông Trịnh Văn Quyết: Khi đi thăm bãi gửi xe, tôi thấy cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam sau dịch - Ảnh 2.

Ô tô đậu tại FLC Sầm Sơn, ngày 17/5/2020. Ảnh: Đức Quyền.

Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Quốc gia cho biết dịch COVID-19 gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch.

"Những ngày đầu năm 2020, ngành du lịch Việt Nam đang hừng hực khí thế, hứa hẹn gặt hái một năm tăng trưởng vượt bậc nữa. Nhưng khi đại dịch đến, hoạt động của ngành khách sạn – nhà hàng bỗng chốc dừng lại thành con số 0. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong suốt 26 năm trong kinh nghiệm trong ngành", ông Kiên nói.

Ông Trịnh Văn Quyết cho biết các cơ sở lưu trú của FLC phải đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán đến tận 29/4, từ ngày 30/4 trở đi mới mở cửa đón khách.

Ông Trịnh Văn Quyết: Khi đi thăm bãi gửi xe, tôi thấy cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam sau dịch - Ảnh 3.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia phát biểu ngày 16/5. Ảnh: Đức Quyền.

Theo ông Trần Trọng Kiên, dịch COVID-19 đã tạo ra 5 xu hướng mới đối với nhu cầu du lịch của người dân.

Thứ nhất là đặc biệt ưu tiên sự an toàn, minh không lây bệnh cho người khác và người khác không lây cho mình.

Thứ hai là ưu tiên đi du lịch gần. Trước tiên là đi trong nước, đi các nước lân cận và sau đó mới đi các nước xa, đương nhiên phải là các nước đã an toàn về dịch.

Thứ ba là đi theo các đoàn nhỏ, qui mô gia đình, không đi theo các đoàn lớn.

Thứ tư là đặc biệt mong muốn các tour có giá cả phải chăng, có khuyến mại. Nguyên nhân là thu nhập của du khách cũng bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bệnh.

Và cuối cùng là du khách có xu hướng tăng cường đến các khu du lịch thiên nhiên ở bờ biển hoặc đồi núi, không phải thành phố hay khu dân cư.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian này, các hãng hàng không, du lịch, lữ hành đã tung ra nhiều gói khuyến mãi, kích cầu, cùng mức giá như trước nhưng được nhận về nhiều sản phẩm dịch vụ hơn. 

Khi được hỏi liệu các biện pháp kích cầu này còn được áp dụng sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đã hoàn toàn qua đi hay không, ông Trần Trọng Kiên cho rằng tương lai thị trường sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quan hệ cung - cầu.

Bà Bùi Hải Huyền - Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC thì cam kết FLC sẽ tiếp tục duy trì ưu đãi với du khách sau dịch.

Đức Quyền