Ông Trịnh Văn Quyết: Bamboo Airways đã thanh toán hết công nợ năm 2019 cho ACV, đạt thỏa thuận về nợ năm 2020
Qua trang Facebook cá nhân tối 7/5/2020, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways đã bác bỏ một số thông tin báo chí cho rằng Bamboo Airways hiện vẫn "chây ì", "Chúa Chổm", "chưa chịu thanh toán" nợ cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).
Cụ thể, theo ông Trịnh Văn Quyết "đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã thanh toán toàn bộ công nợ cho hợp đồng năm 2019 (bao gồm cả các khoản phí thu hộ là phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh) với ACV".
Vị Chủ tịch Bamboo Airways nói thêm: "Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020, Bamboo Airways đã đạt được thỏa thuận với ACV để làm cơ sở cho việc thanh toán công nợ trong giai đoạn đầu năm 2020, bất chấp bối cảnh chung của các hãng hàng không từ đầu năm đến nay vẫn đang rất khó khăn do đại dịch".
Ông Trịnh Văn Quyết cũng dẫn chứng báo cáo tài chính quí I/2020 của ACV cho biết "Khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV đối với Bamboo Airways chính là nhỏ nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Con số nợ ACV của hai hãng lớn còn lại đều gấp gần 3 lần Bamboo".
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I của ACV mà chúng tôi có được, tại ngày 31/3/2020, ACV đang phải thu Vietjet Air hơn 735 tỉ đồng, Vietnam Airlines 700 tỉ đồng, Bamboo Airways 269 tỉ đồng, Jetstar Pacific 167 tỉ đồng.
Tuy nhiên cũng cần chỉ ra qui mô hoạt động của các hãng hàng không này là không giống nhau. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong quí I, Vietjet Air khai thác 29.491 chuyến bay, Vietnam Airlines đứng thứ hai với 27.332 chuyến, Bamboo Airways 11.045 chuyến, Jetstar Pacific và Vasco khai thác tổng cộng 9.662 chuyến.
Theo công văn mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gửi Cục Hàng không Việt Nam ngày 19/3/2020, Bamboo Airways thường thanh toán không đúng hạn và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng đã kí kết.
Cụ thể theo ACV, từ tháng 5/2019 đến giữa tháng 3/2020, Bamboo Airways thanh toán chậm trung bình 42 ngày so với thời hạn thanh toán qui định trong hợp đồng. Tính tại ngày 18/3/2020, Bamboo Airways đang nợ ACV gần 205,5 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 178,7 tỉ đồng.
Theo ACV, số nợ quá hạn này bao gồm 107,3 tỉ đồng phí dịch vụ hành khách (PSC), soi chiếu an ninh hành khách, hành lí (PSSC) do ACV cung cấp trực tiếp cho hành khách và Bamboo Airways chỉ thu hộ cho ACV. Số tiền còn lại 71,4 tỉ đồng là dịch vụ mặt đất, dịch vụ cảng do ACV cung cấp trực tiếp cho Bamboo Airways.
Số nợ chưa đến hạn tại ngày 19/3 là hơn 25,7 tỉ đồng, tiền lãi quá hạn theo hợp đồng là hơn 4,5 tỉ đồng. ACV cũng cho biết từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2020 đã gửi đi 24 văn bản yêu cầu Bamboo Airways thanh toán các khoản nợ quá hạn.
Phản hồi thông tin trên của ACV, ngày 23/3/2020 Bamboo Airways phát đi thông cáo cho biết hoạt động thanh toán phí dịch vụ thời gian qua đã "phát sinh một số khúc mắc giữa hai bên".
Chi phí một số hạng mục dịch vụ ACV cung cấp cho Bamboo Airways "đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi", Bamboo Airways nói.
Về phía điều kiện khách quan, Bamboo Airways cho biết hoạt động của hãng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, "Bamboo Airways đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, đồng thời đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện tại", hãng bay của Tập đoàn FLC cho biết.
Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 do Tập đoàn FLC góp 100% vốn. Tính đến ngày 31/3 năm nay, Tập đoàn FLC đang sở hữu 52,11% vốn của hãng bay này.
Trong bài đăng tối 7/5/2020, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Tập đoàn FLC đã từng nhiều lần bị tấn công bởi các thông tin thất thiệt, gần đây có tin đồn "Bamboo Airways bán 49% cổ phần cho Trung Quốc" lan tràn nhiều nơi trên Facebook. Bamboo Airways sau đó đã lên tiếng phủ nhận, cho rằng tin đồn này là hoàn toàn sai sự thật.