|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bloomberg: Grab mất 16 năm để thu lại số vốn chi ra cho mỗi khách hàng

13:42 | 13/10/2023
Chia sẻ
Để mở rộng thị phần trong thời kỳ đầu, Grab không ngại "đốt tiền" cho các mã giảm giá để lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, chiến lược này đã phải điều chỉnh lại trong bối cảnh nguồn tiền đầu tư cho Grab không còn dư dả và thị trường có đánh giá khách quan hơn về mô hình kinh doanh của công ty.

Năm 2021, trong phòng khiêu vũ của khách sạn 5 sao Shangri-La (Singapore), nhà đồng sáng lập Grab, Anthony Tan đã ăn mừng cho chiến thắng của công ty khi chính thức lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Hoa giấy, giai điệu bài hát "We are the Champions" của Queen vang lên cùng sự phấn khích của CEO Grab và các cộng sự trong buổi rung chuông diễn ra từ xa, được ghi lại trọn vẹn trên sóng livestream.

Anthony Tan thành lập Grab vào năm 2012. Trước khi IPO, startup công nghệ này được định giá 40 tỷ USD, gần bằng giá trị của American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cộng lại. Điều này giúp Tan có cơ hội trở thành tỷ phú. Tuy vậy, mọi việc không thuận lợi.

Mak Yuen Teen, giáo sư kế toán tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các nhà đầu tư chú ý đến “bản CV tuyệt vời của Anthonny Tan nhưng chưa bao giờ xem xét kỹ lưỡng về quản trị doanh nghiệp hoặc mô hình kinh doanh của công ty”. Nhà đồng sáng lập Grab tốt nghiệp Đại học Chicago, lấy bằng MBA tại Harvard, xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh khi cha và ông nội đều là những doanh nhân nổi tiếng ở Malaysia. 

Cổ phiếu Grab đã giảm 21% vào cuối ngày giao dịch đầu tiên và tiếp tục giảm sâu sau đó, mất gần 70% giá trị. Những đánh giá lạnh lùng của thị trường đặt ra câu hỏi về tương lai của Grab, đồng thời là đòn giáng mạnh vào Singapore.

Ngoài Grab, hai công ty khác có trụ sở tại Singapore là Razer, công ty sản xuất máy tính xách tay, chuột và tai nghe chơi game trên máy tính và Sea, công ty mẹ của Shopee cũng chứng kiến đợt giảm cổ phiếu mạnh.

 CEO Anthony Tan ăn mừng Grab lên sàn chứng khoán Mỹ cùng đồng sáng lập Tan Hooi Ling. (Ảnh: Bloomberg).

Sea từng là cổ phiếu hot nhất thế giới, tăng hơn 24 lần kể từ khi niêm yết tại New York vào năm 2017 cho đến đỉnh điểm vào tháng 10/2021, công ty đạt giá trị thị trường hơn 200 tỷ USD. Tuy vậy, cổ phiếu của Sea đã giảm gần 90% và công ty cũng buộc phải sa thải hàng nghìn người để cắt giảm chi phí. Razer thảm hơn, không còn là công ty đại chúng.

Devadas Krishnadas, giám đốc công ty tư vấn Future-Moves Group, cho biết các công ty khởi nghiệp cần phải phát huy tiềm năng tăng trưởng của họ, hơn là đốt tiền của nhà đầu tư. Cả ba cái tên kể trên vẫn đang tiếp tục viết tiếp câu chuyện của họ, chỉ là khiêm tốn hơn trước.

Quay trở lại với câu chuyện của Grab, năm 2018, Grab đã mua lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber Technologies, điều được cho là một thắng lợi lớn cho công ty. Sau đó, Grab ra mắt GrabFood để gia tăng vị thế ở mảng giao đồ ăn. Hiện tại, Grab định hình là một siêu ứng dụng hàng đầu tại Đông Nam Á, xử lý các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và tài chính.

Với các mã giảm giá liên miên ở thời kỳ đầu, khách hàng của Grab đã quen với những chuyến đi được giảm giá hết nấc có thể. Theo Bloomberg, Grab đã chi 480 USD để giành được một khách hàng, trong khi mức chi tiêu trung bình năm của khách hàng cho Grab chi là 29 USD. Điều này khiến Grab phải hơn 16 năm mới thu hồi được vốn.

Nhà phân tích Eric Wen công ty có ít hơn 25 triệu người dùng hàng tháng vào thời điểm IPO, chiếm khoảng 7% khách hàng của siêu ứng dụng Meituan của Trung Quốc. Ông nhận ra rằng Đông Nam Á có tầng lớp trung lưu nhỏ hơn và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Trung Quốc. Theo công ty dữ liệu Crunchbase, Grab đã huy động được 12 tỷ USD đầu tư mạo hiểm trước thương vụ IPO. 

Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu công nghệ lao dốc, một số thậm chí còn tụt nhiều hơn so với Grab, cổ phiếu của Uber lại giảm ít hơn. Uber cuối cùng đã báo lãi trong quý II. Về phần Grab, công ty đã báo cáo khoản lỗ lũy kế 16 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Sự khác biệt này cho thấy Uber bỏ lại miếng bánh ở Đông Nam Á để rút về thị trường quê nhà - Mỹ là điều đúng đắn. Nền kinh tế lớn nhất thế giới giúp Uber có đường đi dễ dàng hơn so với Grab, trong khi Singapore tuy giàu có nhưng lại quá nhỏ để hỗ trợ các công ty tiêu dùng đang phát triển; một số thị trường Đông Nam Á khác của Grab là nơi khó kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Chưa kể, mỗi thị trường đều có ngôn ngữ, phong tục và quy định riêng, khiến quá trình phát triển trở thành một thách thức.

Grab cũng đang cố gắng trở nên hiệu quả hơn. Công ty đã thu hẹp chiến lược siêu ứng dụng của mình, cắt giảm chi phí và hướng tới lợi nhuận nhiều hơn. Cổ đông lớn nhất của Grab là SoftBank và tỷ phú Masayoshi Son vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào CEO Anthony Tan. “Masa tôn trọng sự lãnh đạo của Anthony và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Grab,” SoftBank cho biết trong một tuyên bố. 

Hiện Grab là một cái tên lớn với khoảng 35 triệu người dùng hàng tháng. Hoạt động tại 8 quốc gia và hơn 500 thành phố, công ty đạt doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm ngoái và giá trị thị trường là hơn 13 tỷ USD. Grab giờ không còn là một cái tên, một danh từ mà ở một số thị trường, Grab còn là động từ dành cho việc đặt xe, giao đồ ăn.

"Grab có rất nhiều dư địa để phát triển ở Đông Nam Á”, công ty cho biết trong tuyên bố của mình.

Thùy Trang