Bình Thuận kiến nghị giảm diện tích khai thác titan
Theo ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, tỉnh này hiện có trữ lượng titan lớn nhất, chiếm tới 92% của cả nước ( 559.009.000 tấn/ 656.873.000 tấn). Trong đó, có 8 khu vực chưa cấp phép thăm dò với diện tích 7.344 ha; 10 khu vực đã cấp phép thăm dò với diện tích 9.644 ha và 8 khu vực đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.542 ha.
Khai thác titan ở Bình Thuận. |
Tổng diện tích đưa vào thăm dò khai thác đến năm 2020 là 24 khu vực với diện tích lên đến 20.843 ha. Cũng theo giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, các phân vùng thăm dò khai thác titan hiện nay chồng lấn lên 33 dự án (du lịch, công nghiệp, trồng rừng) với diện tích tới 4.576 ha cần phải điều chỉnh để phát triển kinh tế một cách hài hòa.
Các dự án khai thác titan chủ yếu ở ven biển, địa hình cao hơn các khu dân cư, chồng lấn các dự án khác và nhất là dễ xảy ra các sự cố về môi trường khi tiến hành khai thác. Đặc biệt, các khu vực khai thác titan làm mất đi nguồn nước ngầm vốn rất quý hiếm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cho người dân. “Hiện nay một số dự án chưa có đủ nguồn nước để khai thác và chế biến titan. Càng nhiều dự án khai thác titan được quy hoạch, khai thác thì nguồn nước ngầm càng ít đi”, lãnh đạo Sở TN-MT Bình Thuận nói.
Trong văn bản kiến nghị Chính phủ điều chỉnh theo hướng giảm vùng khai thác titan, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng việc quy hoạch và khai thác titan trong thời gian qua ở tỉnh này chưa được các bộ, ngành quan tâm.
Chẳng hạn Bộ NN-PTNT chưa quan tâm đầu tư các hồ chứa nước; Bộ GTVT chưa chủ trì và quy hoạch cảng biển phục vụ chế biến xuất khẩu; Bộ KH-CN, Bộ Công thương chưa nghiên cứu sâu về công nghệ khai thác ở tầng cát đỏ sao cho tác động ít nhất đến môi trường. DN chế biến sâu titan chưa tiếp cận được với công nghệ chế biến hiện đại.
Tại cuộc hội thảo về titan do Liên hiệp các Hội KHKT VN và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức tại Phan Thiết mới đây, các nhà khoa học khẳng định việc chế biến sâu titan tại Bình Thuận và VN là không khả thi. Con số được Bộ TN-MT công bố: “Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là “599 triệu tấn” là một con số mập mờ, dễ gây hiểu nhầm vì đây là con số phỏng đoán. Việc khai thác titan những năm qua ở Bình Thuận có nguy cơ phân tán chất phóng xạ, ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn nước ngầm vốn rất hiếm ở ven biển; đặc biệt là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến lợi ích các ngành kinh tế khác. Các nhà khoa học tại hội thảo còn khẳng định điều này không chỉ ở Bình Thuận, mà là hệ quả tất yếu ở tất cả các tỉnh ven biển miền Trung có dự án khai thác titan. Vì vậy, Bình Thuận đề nghị Chính phủ xem xét đưa ra ngoài quy hoạch (đã được phê duyệt) diện tích khoảng 2.100 ha, chủ yếu ven biển H.Bắc Bình và P.Mũi Né thuộc TP. Phan Thiết. Đồng thời, điều chỉnh theo hướng cắt giảm các khu vực đã được cấp phép thăm dò (gần 10.000 ha) nhằm dự trữ khoáng sản và ưu tiên phát triển các dự án kinh tế khác.