Biến chủng Delta đảo lộn kế hoạch mở cửa của nhiều quốc gia
Theo Washington Post, biến thể Delta (B.1.617.2), được phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 10/2020 tại Ấn Độ, có khả năng lây lan cao hơn 60% so với biến chủng Alpha (B.1.1.7) ở Anh, giới chức Anh nhận định.
Chủng Delta khiến kế hoạch mở cửa của các quốc gia bị đảo lộn
Theo tờ Washington Post, nhiều quốc gia trên thế giới ngỡ như đã thoát khỏi COVID-19 nhờ chiến lược phong tỏa và tiêm chủng diện rộng, nhưng biến chủng Delta đã bất ngờ làm đảo lộn tất cả.
Tại Anh, ngày 14/6, Thủ tướng Boris Johnson thông báo kế hoạch gỡ toàn bộ lệnh hạn chế để ngăn chặn COVID-19 ở nước này sẽ phải trì hoãn thêm 4 tuần nữa thay vì vào ngày 21/6 như đã ấn định, do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, hiện chiếm tới khoảng 90% số ca nhiễm mới tại Anh.
Thủ tướng Johnson nhấn mạnh số ca nhiễm nCoV mới đang tăng vọt, việc lùi lịch tái mở cửa hoàn toàn đến ngày 19/7 sẽ giúp cứu sống hàng nghìn người dân.
Bằng chứng rõ ràng nhất mà Thủ tướng Anh đưa ra chính là tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ. Biến chủng Delta đã tạo ra một làn sóng dịch kinh hoàng và nhấn chìm nước này, đẩy hệ thống y tế đến tình cảnh "vỡ trận" với khoảng 400.000 ca mắc mỗi ngày vào hồi đầu tháng 5.
Mặc dù hiện nay số ca mắc mới mỗi ngày tại đây đã giảm sau khi đạt đỉnh, con số này vẫn ở mức cao đáng báo động với khoảng 62.000 ca mới hôm 16/6.
Vào tuần trước, giới chức Mỹ cho biết khoảng 6% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới tại nước này là do biến thể Delta gây ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thêm biến chủng Delta vào danh sách "những biến chủng đáng lo ngại".
Mặc dù biến chủng Delta chưa làm đảo lộn kế hoạch tái mở cửa của Mỹ, một số chuyên gia vẫn cảnh báo cần thận trọng với biến thể này, khi tốc độ tiêm chủng ở đây đang chững lại. Giới chuyên gia y tế cho rằng việc người dân ngần ngại tiêm chủng, cùng với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, đã khiến số ca nhiễm và nhập viện ở một số bang gia tăng.
Theo tờ The Guardian, các nhà khoa học cũng lo ngại biến thể Delta có thể khiến làm giảm hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, biến thể này làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch ở nước có tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều.
Theo CDC, Mỹ đã tiêm chủng đủ 2 liều cho khoảng 43,9% dân số và 52,6% người dân đã tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở các tiểu bang là khác nhau.
Còn tại Nga, chính quyền thành phố Moscow đã tuyên bố từ ngày 15-19/6 là ngày không làm việc và đưa ra các hạn chế bổ sung. Chỉ trong vài ngày, số lượng ca nhiễm mới đã tăng từ 3.000 lên 7.000 trường hợp mỗi ngày. Và theo số liệu sơ bộ hôm nay, con số này vượt quá 9.000, tức tăng gấp ba lần.
Thị trưởng Moscow cho biết, phần lớn các ca bệnh nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2, điều này khiến cuộc chiến chống lại dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, theo báo Chính phủ.
Hiện biến chủng Delta đã lây lan ra hơn 80 nước trên thế giới. Các chuyên gia y tế cộng đồng cũng đang theo dõi sát sao những đột biến mới của biến chủng này.
WHO đang theo dõi hơn 50 biến chủng, hầu hết chúng không được coi là đáng lo ngại, chỉ có 4 biến chủng được xếp vào danh sách cần quan tâm đặc biệt, trong đó có biến thể Delta.