Việt Nam đặt mục tiêu có nhà máy sản xuất vắc xin cuối năm 2021, hướng tới là trung tâm xuất khẩu vắc xin COVID-19
Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 18/6, Bộ Y tế đã báo cáo về các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vắc xin trong nước và tiến độ thử nghiệm các loại vắc xin, báo Chính phủ đưa tin.
Về vấn đề nhà máy sản xuất vắc xin, Bộ Y tế cho biết, hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc xin trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có một nhà máy sản xuất vắc xin quy mô lớn đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga theo hai giai đoạn. Giai đoạn một dự kiến bắt đầu cuối tháng 7/2021.
Trước đó hôm 12/6, Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu chuyển giao, sản xuất vắc xin COVID-19 chỉ cần một liều tiêm theo công nghệ Mỹ, có khả năng bảo vệ cao.
Dự án này do một doanh nghiệp triển khai. Hiện doanh nghiệp này đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 theo công nghệ mRNA. Vắc xin này chỉ cần tiêm một liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao, nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C. Hiện tại vắc xin đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1 và 2.
Nhà máy do doanh nghiệp này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100 - 200 triệu liều một năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 4 năm nay hoặc quý I/2022.
Hiện chưa rõ tên nhà sản xuất Mỹ mà doanh nghiệp đàm phán chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 một liều tiêm.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhắc lại mục tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu cần sớm hoàn thiện các cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vắc xin trong nước, phục vụ nhiệm vụ chống dịch COVID-19, đồng thời phát triển công nghiệp vắc xin, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vắc xin.
Về tiến độ nhập vắc xin, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngoài hai nguồn chính thức mua của hãng AstraZeneca và nguồn tài trợ vắc xin Sputnik V của Nga, sắp tới còn có nguồn vắc xin của hãng Pfizer. Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp qua Chương trình COVAX Facility.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục nhận viện trợ vắc xin song phương của các nước. Vào ngày 16/6 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ một triệu liều vắc xin AstraZeneca cho Việt Nam. Trong những ngày tới đây, Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận vắc xin do Trung Quốc tài trợ.