Bí thư Hà Nội: Xem xét cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội
Ngày 29/11, đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp kiểm tra công trường và việc triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; trong đó, kiểm tra công trường ga S9 và máy khoan hầm TBM, ga S8; kiểm tra đoàn tàu và di chuyển bằng tàu từ ga S8 về khu Depot (Nhổn).
Liên quan đến vướng mắc giải phóng mặt bằng đoạn đi ngầm của dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý đây là lần đầu tiên giải phóng mặt bằng liên quan đến công trình ngầm chưa có cơ chế cụ thể, do vậy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét cho ý kiến để trình HĐND thành phố cho phép UBND thành phố ban hành cơ chế đặc thù để tiến hành giải phóng mặt bằng đoạn đi ngầm dự án Nhổn – ga Hà Nội, phấn đấu ban hành cơ chế này trong tháng 12/2021 để tổ chức thực hiện.
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là đoạn đầu của tuyến đường sắt số 3 theo quy hoạch (Nhổn - Hoàng Mai) với tổng chiều dài 21 km. Đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km; trong đó, có 8,5 km đi nổi và 4 km đi ngầm. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA, được khởi công ngày 25/9/2010. Đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%; trong đó, tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5% và tiến độ đoạn đi ngầm đạt 33%; tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn trên cao đã hoàn thành. Tuy nhiên, đối với đoạn đi ngầm, việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc tại ga S9 và S11.
Theo Ban Quản lý dự án, nguyên nhân chậm tiến độ của dự án là do những chậm trễ, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công; việc phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tạm cư/phá dỡ công trình nhà ở (không thu hồi đất) cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi quá trình khoan hầm.
Ngoài ra, dịch COVID - 19 trong gần 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án do chậm trễ trong việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu sang.
Mặt khác, dự án được phân chia thành 9 gói thầu tạo ra nhiều giao diện giữa các gói thầu, làm phát sinh điều chỉnh thiết kế và gây chậm trễ tiến độ. Đặc biệt, gói thầu CP05 phát sinh điều chỉnh nhiều, đặc biệt phần cơ điện dẫn đến vướng mắc trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế điều chỉnh và dự toán phát sinh; nhà thầu CP05 chậm trễ thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các khác biệt giữa quy định của mẫu hợp đồng FIDIC (hình thức tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến nhất của hợp đồng xây dựng quốc tế trên thế giới hiện nay) và pháp luật của Việt Nam về việc xử lý các vấn đề hợp đồng như: gia hạn thời gian, điều chỉnh giá, yêu cầu thay đổi dẫn đến các tranh chấp với các nhà thầu quốc tế.
Việc bố trí vốn hàng năm không đủ theo nhu cầu của dự án trong giai đoạn từ 2017-2019. Thủ tục điều chỉnh dự án và điều chỉnh các hiệp định vay, nghị định thư tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ hết sức phức tạp, kéo dài.
Thêm nữa, kinh nghiệm, năng lực của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) còn một số hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về lĩnh vực đường sắt đô thị; việc phối hợp, giải quyết công việc của các sở, ngành thành phố, UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ và hiệu quả, đặc biệt là chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đề nghị các quận Đống Đa, Ba Đình tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MRB đẩy nhanh việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn trình tự thực hiện theo kiến nghị của MRB và các quận, đồng thời tích hợp thêm các ý kiến của nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và hài hòa với chính sách an toàn của ADB.
Đối với gói thầu CP5 chậm trễ (mới đạt 70%) ảnh hưởng chính đến tiến độ chung phần nổi, MRB kiến nghị UBND thành phố tiếp tục tổ chức kiểm điểm tình hình hàng tháng và đề nghị Bộ Xây dựng (đơn vị chủ quản của nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp) phối hợp đôn đốc tiến độ và giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ban Quản lý dự án cũng kiến nghị UBND thành phố tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ và Bộ Tài chính thống nhất phương án điều chỉnh lại các hiệp định vay đảm bảo nguồn vốn hoàn thành đoạn trên cao.
Đồng thời, kiến nghị Công ty Đường sắt Hà Nội (HMC) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đảm bảo kế hoạch đào tạo của dự án.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, theo tuyên bố chung khi Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Pháp (nhà tài trợ dự án) thì phần nổi 8,5 km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng; phần ngầm phải hoàn thành vào cuối năm 2025.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA, là dự án điển hình hợp tác của các quốc gia của Việt Nam, do đó các bên đều phải cố gắng để phân tích giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hài hòa giữa các bên, đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các đơn vị liên quan theo sát tình hình, tiến độ dự án; tập trung phân tích, làm rõ từng khó khăn, vướng mắc của dự án để có phương án giải quyết từng phần, thúc đẩy tiến độ chung của dự án.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải bám sát tiến độ đã được nêu trong tuyên bố chung của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp; đó là đến năm 2022 hoàn thành đưa vào vận hành phần đi nổi 8,5 km; đến năm 2025 hoàn thành phần đi ngầm 4 km và đưa vào vận hành toàn tuyến; coi đây là mốc thời điểm có tính pháp lệnh để tổ chức thực hiện. Riêng đối với đoạn đi nổi, để bảo đảm vận hành trong năm 2022, tiến độ thi công phải phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/10/2022.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, các nhà thầu trong và ngoài nước tham gia thi công dự án cùng chia sẻ, phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc để hướng đến thực hiện mục tiêu tiến độ nêu trên.
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tích cực, chủ động cùng đơn vị của thành phố khắc phục khó khăn, giải quyết vướng mắc để hoàn thành nhanh nhất gói thầu CP05, góp phần hoàn thành tiến độ chung của dự án.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành, đơn vị tham mưu phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công xây dựng tiến độ gắn với giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo từng tháng, từng quý và từng năm; đối với một số phần việc cần thiết phải có phương án thực hiện tiến độ cụ thể đến từng ngày; phân công rõ người phụ trách, đồng thời thường xuyên đánh giá, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các quận liên quan gồm: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm nêu cao tinh thần trách nhiệm; chủ động, tích cực tham gia, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, nhất là tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ dự án.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc kiểm tra, Phó Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, hiện dự án có 2 vướng mắc chính, thứ nhất là vướng mắc giải phóng mặt bằng, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, đến nay đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong. Ở ga ngầm S11 đã giải tỏa được 2 số nhà đang vướng mặt bằng, thời gian tới sẽ huy động nhà thầu trở lại tiếp tục thi công.
Thứ 2 là khung chính sách đền bù đối với nhà dân bị ảnh hưởng trên tuyến hầm, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với Ban quản lý dự án sáng nay (29/11) thì khung chính sách sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân thành phố để có thể triển khai được khung chính sách đặt biệt này.
Điểm mới của khung chính sách này là người dân vẫn có thể ở lại trên mảnh đất họ đang ở. Còn đối với những ngôi nhà bị ảnh hưởng có thể bị sập đổ thì Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành phá dỡ và xây lại cho người dân.
Liên quan đến việc thành phố đề xuất với Chính phủ cho lùi tiến độ đoạn đi ngầm của dự án hoàn thành vào năm 2025, ông Lê Trung Hiếu cho biết, với sự nỗ lực của thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn thành phố; trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội sẽ quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ trên.
Đối với những kiến nghị của Nhà thầu đối với những vướng mắc trong thi công, giải phóng mặt bằng, yêu cầu bồi thường, Phó Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục bảo vệ với các cơ quan hậu kiểm, giải trình những nội dung còn tồn đọng từ trước tới nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/