|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất hai dự án đường sắt kết nối cảng biển gần 90.000 tỷ đồng tại Hải Phòng và Vũng Tàu

15:40 | 23/11/2021
Chia sẻ
Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài với hai dự án đường sắt kết nối đến cảng Lạch Huyện của Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải của Vũng Tàu với số vốn gần 90.000 tỷ đồng.

Ngày 23/11, ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) văn bản đề xuất danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt, theo Báo Giao thông.

Trong đó, có đề cập đến hai dự án đầu tư đường sắt kết nối cảng biển gồm dự án đường sắt nối cảng Lạch Huyện và dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đề xuất hai dự án đường sắt kết nối cảng biển Hải Phòng và Vũng Tàu gần 90.000 tỷ - Ảnh 1.

Cảng Cái Mép - Thị Vải. (Ảnh: Bộ GTVT).

Dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện đang ở bước lập dự án để thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng do hạn chế khai thác bởi ảnh hưởng giao thông đô thị.

Dự án có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa trên khu gian Dụ Nghĩa - Vật Cách, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng (ga phân loại) với hướng tuyến cải tạo ga Dụ Nghĩa và mở mới ga Nam Hải Phòng.

Từ ga Dụ Nghĩa tuyến đường vượt qua sông Lạch Tray theo hướng xuống phía nam TP Hải Phòng tới ga Nam Hải Phòng (khu vực xã Minh Tân), tới bán đảo Đình Vũ, qua cầu Tân Vũ đến ga Đình Vũ. 

Từ ga Đình Vũ, tuyến song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu đến ga phân loại. Từ ga phân loại, tuyến rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 32.600 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.

Với dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đã được lập dự án đầu tư và được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu và được cập nhật nghiên cứu khả thi hoàn thành năm 2019 do Koica tài trợ.

Tuyến đường sắt này có chiều dài 84km, khổ 1.435mm, đi song song QL51, đi qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Bến Đình - Sao Mai. Vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 56.800 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn là 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm. 

Với hai dự án nêu trên, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần... Riêng dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km, gồm:

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm: Chiều dài khoảng 1.545 km.

Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân: Chiều dài 129 km.

Tuyến vành đai phía Đông Thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng: Chiều dài khoảng 59 km; chuyển đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị phù hợp với lộ trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội và đường sắt vành đai phía Đông.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện: Chiều dài khoảng 102 km.

Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ): Chiều dài khoảng 103 km.

Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu: Chiều dài khoảng 84 km.

Tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng: Chiều dài khoảng 174 km.

Tuyến TP HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư): Chiều dài khoảng 128 km.

Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách: Chiều dài khoảng 38 km.

Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phương Trang