Đề xuất đầu tư hai đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao dài 651 km
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Hệ thống đường sắt sẽ đáp ứng khoảng 3 - 4% thị phần vận tải hành khách và 4 - 5% thị phần vận tải hàng hóa; khoảng 15 - 20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Năm 2021, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt được bố trí qua Bộ Giao thông vận tải là 4.121/42.996 tỷ đồng. Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 2.821,9 tỷ đồng (đạt khoảng 40% so với nhu cầu).
Cũng trong năm nay, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai chuẩn bị đầu tư 4 dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.
Theo TTXVN, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bộ đề xuất quy hoạch xây dựng hai đoạn đường sắt tốc độ cao đến năm 2030 là Hà Nội - Vinh (281 km) và Nha Trang - TP HCM (370 km).
Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2026, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt là 15.924/336.475 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn (chiếm khoảng 4,73%). Trong đó, các dự án chuyển tiếp giai đoạn trước là 11.662 tỷ đồng; các dự án khởi công mới (thực hiện dự án) 3.678 tỷ đồng; các dự án khởi công mới (chuẩn bị đầu tư) 584 tỷ đồng.
Về công tác thực hiện đầu tư, thời gian vừa qua các dự án chủ yếu tập trung vào mục tiêu cải tạo, nâng cấp, đảm bảo an toàn và từng bước nâng cao năng lực chạy tàu đối với các tuyến đường sắt hiện có. Trong đó, tập trung vào hai tuyến trọng yếu là Hà Nội – TP HCM và Hà Nội - Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu, phát triển hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, Đông – Tây.
Đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA của các nhà tài trợ quốc tế đã hoàn thành 6 dự án với tổng mức đầu tư 10.641 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản. Hiện nay, đang triển khai dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét với tổng mức đầu tư 2.010 tỷ đồng sử dụng vốn vay của Hàn Quốc.
Riêng các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành hai dự án với tổng mức đầu tư 3.170 tỷ đồng.
Các dự án sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước đã hoàn thành 6 dự án trong giai đoạn từ 2011 - 2020 với tổng mức đầu tư 1.402 tỷ đồng. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện đầu tư, sớm đưa 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vào khai thác sử dụng.
Dự án tuyến đường sắt mới Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - cảng Cái Lân đã được triển khai đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác đoạn 5,67 km đoạn Hạ Long - Cái Lân, các đoạn còn lại đang dở dang.
Về định hướng phát triển, đến năm 2030, Chính phủ cho biết sẽ tập trung nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam). Nghiên cứu, triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đồng thời ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP HCM với Cần Thơ, kết nối cửa khẩu quốc tế chính với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á. Cải tạo, nâng cấp, duy trì các tuyến đường sắt hiện hữu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa.
Hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay đi qua 34 tỉnh/thành phố, gồm 7 tuyến chính, tổng chiều dài 3.143 km với 297 ga.
Thời gian qua, một số dự án đầu tư cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt được hoàn thành đưa vào sử dụng đã từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; từng bước cải thiện tốc độ chạy tàu và an toàn đường sắt.
Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu, khổ đường đơn, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chiến tranh tàn phá, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ nên kết cấu hạ tầng đường sắt chắp vá, chưa đồng bộ. tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Chưa có sự kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; một số khu vực kinh tế quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chưa có đường sắt; hệ thống đường sắt nối vào khu vực cảng biển còn hạn chế (một số nhánh đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng sông trước đây đã bị tháo dỡ như cảng: Cửa Lò, Tiên Sa, Quy Nhơn, Ba Ngòi, Sài Gòn....).