|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí quyết kiếm tiền từ nông sản 'xấu mã' của hai anh chàng Mỹ

20:21 | 18/11/2019
Chia sẻ
Bằng cách cung cấp dịch vụ giao rau, củ và quả "xấu mã" với giá rẻ tại nhà, hai anh chàng ở Mỹ đã trực tiếp giúp người dân Mỹ cứu hàng chục triệu kg nông sản mỗi năm.

Ben Simon từng trăn trở rất nhiều về vấn đề lãng phí thực phẩm. Năm 2011, trong năm nhất tại Đại học Maryland, Simon đã vô cùng kinh ngạc bởi số lượng thức ăn khổng lồ mọi người vứt đi trong căn-tin của trường, theo CNN Bussiness.

"Tôi đã rất sốc khi thấy ai đó mua một bánh sandwich đầy đủ, ăn một nửa và ném nửa còn lại vào sọt rác. Bỏ thức ăn không phải thói quen của tôi", Simon nói.

 Đối với Simon thì thực phẩm lãng phí là một "mỏ vàng tự nhiên" và anh có thể làm nhiều việc có ích từ chúng.

Ben and Ben

Ben Simon (người ngồi trước) và Ben Chesler, hai nhà sáng lập công ty Imperfect Produce. Ảnh: CNN

Dịch vụ giao nông sản giá thấp tại nhà

Năm 2015, Simon đồng sáng lập Imperfect Produce. Công ty cung cấp dịch vụ giao nông sản "xấu mã" tận nhà với ưu đãi giảm giá. Những rau, củ, quả ấy vẫn rất tươi nhưng các chuỗi cung ứng thực phẩm từ chối chúng vì chính vẻ ngoài không bắt mắt.

Khách hàng sẽ đăng kí gói dịch vụ với mức phí cố định hàng tháng để nhận nông sản theo định kì.

Dân Mỹ lãng phí khoảng 31 tỉ USD thực phẩm hàng năm ở từ mỗi hộ gia đình, quán ăn tự phục vụ, trang trại, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và sân vận động. 

"Phần lớn chúng là thực phẩm tốt. Chúng tôi muốn nghĩ lớn hơn về cách chống lãng phí thực phẩm và mở rộng hơn hệ thống thực phẩm bền vững", Simon nói.

Simon hợp tác với anh bạn của là Ben Chesler, người chia sẻ niềm đam mê sống vì lợi ích xã hội với anh. Cả hai làm việc trực tiếp với các trang trại để triển khai dịch vụ giao hàng và thu hồi thực phẩm thừa.

Các cửa hàng tạp hóa không muốn hợp tác

Simon kể rằng tới 20% trái cây và rau củ tại các trang trại ở Mỹ bị loại bỏ vì không đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm mĩ của cửa hàng.

"Vỏ trái cây thường đổi màu, có sẹo trên bề mặt do bị cọ xát vào vật khác. Đôi khi người ta bỏ chúng vì kích thước không phù hợp. Chúng tôi đã thấy một loạt bơ cỡ nhỏ trở thành phế phẩm vì người tiêu dùng có xu hướng thích bơ cỡ lớn hơn cho món Guacamole", anh giải thích.

trai cay

Công ty Imperfect Produce cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi với ưu đãi giảm giá các loại trái cây và rau củ có vẻ ngoài "xấu xí". Ảnh: CNN

Chàng trai 29 tuổi và anh bạn Chesler - 27 tuổi - quyết định lấy nguồn sản phẩm "xấu xí" trực tiếp từ các trang trại và giao bán cho khách hàng với giá thấp hơn khoảng 30% so với giá tại các cửa hàng tạp hóa thông thường.

"Lý do chúng tôi tạo ra Imperfect Produce và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng vì các cửa hàng tạp hóa không muốn hợp tác với chúng tôi. Giờ đây, tôi và Chesler đã gây dựng cửa hàng riêng", Simon nói.

Công ty đặt trụ sở tại San Francisco và ra mắt vào tháng 8/2015. Hiện tại, chuỗi cung ứng Imperfect Produce có hơn 200.000 cơ sở tại 22 thành phố. Công ty có nguồn sản xuất từ 250 người trồng trên toàn quốc và hơn một nửa trong số đó là sản phẩm hữu cơ.

Đến nay, công ty đã thu hồi gần 18 triệu kg thực phẩm lãng phí, theo Simon. Chỉ riêng trong năm nay, công ty sẽ thu hồi thêm 22,5 triệu kg và quyên góp 1 triệu kg cho các ngân hàng thực phẩm.

Công ty đã nhận 47 triệu USD

Hai thanh niên đã khởi động công ty khởi nghiệp với khoảng 20.000 USD của chính họ và 38.000 USD mà họ huy động từ nền tảng gây quĩ cộng đồng Indiegogo. Từ thời điểm  đó, họ đã nhận tổng cộng 47 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Maveron và đối tác liên doanh Norwest.

Trong 4 năm, số lượng nhân viên của công ty đã tăng lên 1.000 người cùng 400 xe tải giao hàng. Simon từ chối tiết lộ doanh thu nhưng dự đoán doanh thu năm nay dự kiến sẽ tăng gấp đôi năm ngoái. 

Công việc kinh doanh vẫn chưa có lãi nhưng anh hi vọng công ty sẽ mở rộng dịch vụ tới 40 thành phố vào cuối năm 2019 và thậm chí sẽ cổ phần hóa công ty trong tương lai gần.

Nhạc Phong

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.