Bệnh viện của các ông bầu làm ăn ra sao?
Hệ thống bệnh viện Vinmec thuộc Tập đoàn Vingroup (Ảnh: Vinmec)
Chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế cộng thêm nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng thu hút không ít chủ đầu tư tư nhân tham gia. Quy mô dân số Việt Nam hiện đạt gần 100 triệu người, tuy nhiên kết thúc năm 2018 số lượng giường bệnh trên 10.000 dân chỉ đạt 25,7 đơn vị (theo số liệu từ Vinmec).
Nhiều người cho rằng, thước đo phản ánh một bệnh viện tốt là phục vụ được càng nhiều bệnh nhân mà vẫn đảm bảo được dịch vụ chất lượng. Nhưng cũng ít người biết, tính kinh tế trong hoạt động kinh doanh của các bệnh viện thực sự ra sao, nhất là với mô hình bệnh viện tư nhân.
Không có nhiều bệnh viện công bố số liệu về kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động hàng năm của mình. Nhưng cũng có thể kể đến một số cái tên, thậm chí là những bệnh viện gây chú ý khi thuộc sở hữu của các đại gia trên thị trường chứng khoán như Bệnh Viện Giao thông Vận tải (Bệnh viện GTVT) của "bầu" Hiển, bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) của gia đình nhà Trầm Bê, hay hệ thống bệnh viện Vinmec thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã hé lộ đôi chút về kết quả hoạt động kinh doanh của mình thông qua báo cáo tài chính hợp nhất.
Bệnh viện GTVT kinh doanh bết bát, "bầu" Hiển muốn tháo chạy
Tháng 10/2015, Tập đoàn T&T rót 150 tỉ đồng mua cổ phiếu, trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 51,43% Bệnh viện Giao thông Vận tải (Bệnh viện GTVT); cổ đông Nhà nước (Bộ Giao thông) sở hữu 32,73%, còn lại là cổ đông khác.
Mọi chuyện sau đó diễn ra không mấy dễ dàng với "bầu" Hiển và Tập đoàn T&T. Bệnh viên kinh doanh liên tục thua lỗ, lợi nhuận gộp giảm sút theo từng năm và tiến đến lỗ gộp vào năm 2018.
Trung bình mỗi năm bệnh viện này đạt doanh thu khoảng 180 tỉ đồng, lỗ khoảng 30 tỉ đồng.
BM tổng hợp
Quý I năm nay, bệnh viện GTVT đạt doanh thu thuần 45 tỉ đồng; nhưng lỗ sau thuế 12,5 tỉ đồng, cao hơn so với cùng kì năm 2017. Tính đến 31/3/2019, bệnh viện này lỗ lũy kế 104 tỉ đồng, trên vốn điều lệ 168 tỉ đồng.
Cổ đông Tập đoàn T&T sau gần 3 năm tiếp quản bệnh viện không còn nhiều mặn mà, muốn "tháo chạy".
Cụ thể, tháng 7/2018, công ty của bầu Hiển kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 8,6 triệu cổ phiếu Bệnh viện GTVT đang sở hữu. Giá thanh toán 149 tỉ đồng, cộng thêm số tiền lãi phát sinh.
Nguyên nhân chính khiến Tập đoàn T&T muốn rút toàn bộ vốn khỏi bệnh viện GTVT là xung quanh vấn đề tăng vốn của bệnh viện Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt.
Điều này có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông ngoài Nhà nước bao gồm cả Tập đoàn T&T xuống dưới 30%. Và với mức này thì gần như các cổ đông, trong đó có cả cổ đông chiến lược sẽ không còn quyền phủ quyết trong điều hành bệnh viện.
Bệnh viện Triều An, ông Trầm Bê lĩnh án tù vẫn là cố vấn
Là một trong những bệnh viện tư nhân lớn nhất tại TP HCM, bệnh viện Triều An gắn liền với tên tuổi của gia đình nhà Trầm Bê.
Thực tế, ông Trầm Bê dù đang lĩnh án 4 năm tù (trong đại án Phạm Công Danh) vẫn đang là thành viên HĐQT – cố vấn tại bệnh viện Triều An, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Trầm Bê) cũng là một thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, còn anh trai ông Trầm Bê là ông Trầm Sê là Trưởng Ban kiểm soát bệnh viện.
Theo cơ cấu sở hữu mới nhất được công bố ngày 31/3/2019, cổ đông lớn nhất tại bệnh viện Triều An là bà Dương Thị Đẹt nắm 38,27% vốn điều lệ; đứng thứ hai là bà Trầm Thuyết Kiều nắm 21,41%; cá nhân ông Trầm Bê nắm 4,85%; Chủ tịch công ty ông Trần Ngọc Henri nắm 4,08%; bà Viên Tú Anh nắm 3,44%... Như vậy là gia đình ông Trầm Bê đang sở hữu hơn 26% cổ phần tại bệnh viện Triều An.
Thống kê cho thấy, Triều An là một trong những bệnh viện kinh doanh hiệu quả với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mỗi năm.
Cụ thể, năm 2018 bệnh viện đạt doanh thu 489 tỉ đồng và lãi sau thuế 59 tỉ đồng, tăng lần lượt 10% và 31% so với năm trước đó. Trong năm, bệnh viện thực hiện hơn 385.300 ca khám bệnh, cấp cứu gần 33.100 ca và phẫu thuật 6.748 ca.
BM tổng hợp
Năm 2019, bệnh viện Triều An tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu 537 tỉ đồng, lãi sau thuế 65 tỉ đồng, kế hoạch chi trả cổ tức 10%. Cơ sở của kế hoạch này là việc đưa vào khu mới xây dựng 6 tầng nhằm tăng công suất bệnh viện.
Quý I vừa qua, Triều An đạt doanh thu thuần 111 tỉ đồng, lãi ròng 18 tỉ đồng.
Bệnh viện Tim Tâm Đức, cổ tức tới 33%
Một đơn vị khác hoạt động khá hiệu quả trên địa bàn TP HCM là bệnh viện Tim Tâm Đức do tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiểu (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim TP HCM) sáng lập.
Đến nay bệnh viện có 2 khu khám ngoại trú, 257 giường nội trú, 6 khoa điều trị nội và ngoại tim mạch… Bệnh viện điều trị nội trú cho hơn 59.400 bệnh nhân, điều trị ngoại trú gần 913.000 bệnh nhân sau 13 năm hoạt động, trong đó 60% đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long…
Năm 2018, doanh thu của bệnh viện Tim Tâm Đức đạt 582 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 63 tỉ đồng, nối dài đà tăng trưởng so với các năm trước đó. Các chỉ số về chuyên môn như khám bệnh 96.474 ca, trong đó khám tim 86.808 ca; điều trị nội trú 5.515 ca, nằm viện 43.359 ca, số ca phẫu thuật 468…
BM tổng hợp
Năm 2019, Tâm Đức đặt kế hoạch doanh thu 600 tỉ đồng, lãi ròng 68 tỉ đồng và tỷ lệ cổ tức chi trả lên tới 33%. Quý I vừa qua đạt doanh thu thuần 140 tỉ đồng, lãi ròng 17 tỉ đồng.
Bệnh viện Tim Tâm Đức vốn điều lệ 156 tỉ đồng với cơ cấu cổ đông là các bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện, trong đó người sáng lập Nguyễn Ngọc Chiểu cũng là cổ đông số một sở hữu 17,26% vốn điều lệ.
Vinmec và mô hình bệnh viện phi lợi nhuận
Năm 2018 vừa qua, Vinmec khai trương bệnh viện thứ 7 trên toàn quốc – Vinmec Hải Phòng, khai trương phòng khám quốc tế thứ 4 tại Hà Nội. Với tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng, Vinmec Hải Phòng có quy mô 181 giường, trang bị thiết bị y khoa hiện đại và đội ngũ bác sĩ, chuyên gia chuyên môn cao. Quy mô toàn hệ thống đạt 1.650 giường bệnh, với 2.600 bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên.
Dự án Vinmec Cần Thơ đã bắt đầu được xây dựng và sẽ sớm đưa vào vận hành. Trong thời gian tới, Vinmec cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án bệnh viện, phòng khám để mở rộng mạng lưới trên cơ sở hoàn thiện hệ sinh thái tại các khu đô thị Vinhomes.
Năm 2018, tổng số lượt khách trên toàn hệ thống Vinmec tăng trưởng 40%, đưa tổng doanh thu tăng từ 1.884 tỉ đồng lên mức 2.704 tỉ đồng. Đặc thù của hệ thống bệnh viện Vinmec là gắn liền với các khu đô thị Vinhomes nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Do đó, cùng với dự phát triển của bất động sản Vinhomes, doanh thu của Vinmec cũng tăng trưởng ấn tượng theo từng năm. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu của Vinmec trong 3 năm gần đây đạt gần 50%/năm, tuy nhiên hệ thống bệnh viện thuộc Tập đoàn Vingroup vẫn chưa thể có lãi.
BM tổng hợp
Trước đó từ ngày 27/9/2016, Tập đoàn Vingroup đã công bố chuyển đổi hệ thống Vinmec sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận cho xã hội.