|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Trầm Bê bị đề nghị mức án 5 - 7 năm tù

15:09 | 28/07/2020
Chia sẻ
Tại phiên xét xử sáng nay, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 - 7 năm tù đối với ông Trầm Bê về tội vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 18 - 20 năm tù đối với ông Dương Thanh Cường về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng nay (28/7), TAND TP HCM bắt đầu phần tranh luận vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” do Dương Thanh Cường và Trầm Bê cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Phương Nam 505 tỉ đồng.

Ông Trầm Bê bị đề nghị mức án 5 - 7 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Trầm Bê. Nguồn: PLO

Theo kết luận điều tra của Viện Kiểm sát (VKS), ông Dương Thanh Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) bị cáo buộc vì tội lừa đảo. Ông Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam) cùng các thuộc cấp cho vay vốn bằng tài sản đảm bảo không đủ điều kiện, cho vay vốn trái qui định khiến Ngân hàng Phương Nam thiệt hại.

Theo Pháp luật TP HCM, mở đầu phiên tòa, đại diện VKS đã nêu quan điểm luận tội qua những ngày đã xét xử trước. VKS nhận định các bị cáo hầu như thừa nhận hành vi cáo buộc. Lời khai của các bị cáo cũng như hồ sơ đủ cơ sở, căn cứ khẳng định việc truy tố là đúng người, đúng tội không oan sai.

VKS đề nghị mức án 18 - 20 năm tù đối với bị cáo Dương Thanh Cường về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mức án 5 - 7 năm tù đối với bị cáo Trầm Bê về tội vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 8 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm đến 6 năm tù về cùng tội danh.

Đồng thời, VKS đề nghị các bị cáo có nghĩa vụ liên đới bồi thường khoảng 319 tỉ đồng bồi thường cho Sacombank 319 tỉ đồng, đồng thời tiếp tục kê biên 23 sổ đỏ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Cũng tại phiên toà ông Phan Huy Khang, cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTD, cho rằng kết luận điều tra của Bộ Công an xác định số thiệt hại trong vụ án này là 331 tỉ đồng là phù hợp. 

Các bị cáo là cựu nhân viên, cán bộ Ngân hàng Phương Nam đề nghị HĐXX xem xét phần trách nhiệm dân sự của mình do chỉ là cấp dưới, làm công ăn lương, không hưởng lợi. Đồng thời, hợp đồng tín dụng với Công ty Thanh Phát của bị cáo Cường đã được tất toán trước khi vụ án bị khởi tố, truy tố, xét xử.

Về thiệt hại của Ngân hàng Phương Nam, theo kết luận giám định tư pháp của giám định viên Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 5/1/2020 của Công ty Bình Phát là hơn 81 tỉ đồng và hơn 9.250 lượng vàng SJC, bao gồm gốc và lãi, qui ra tiền đồng, tổng cộng là hơn 331 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, dù biết rõ thông tin về khu đất 10,5 ha thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh 6,  không được đầu tư dự án và giấy chứng nhận không thể sang tên sở hữu, sử dụng cho Công ty Thanh Phát, nhưng Dương Thanh Cường vẫn nghĩ ra lí do để Agribank Chi nhánh 6 cho Cường mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hợp đồng chuyển nhượng.

Sau đó, Cường đã lấy danh nghĩa Tổng giám đốc Công ty Bình Phát để lập, kí hồ sơ vay vốn bằng những thông tin sai sự thật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ và thực trạng pháp lí của tài sản đảm bảo để chiếm đoạt của Ngân hàng Phương Nam số tiền hơn 185 tỉ đồng.

Ông Trầm Bê và 8 đồng phạm là cán bộ Ngân hàng Phương Nam lúc bấy giờ, đã biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện được cấp tín dụng nhưng vẫn đề xuất cho vay, phê duyệt cho vay, cho Công ty Bình Phát vay, dẫn đến việc Ngân hàng Phương Nam bị thiệt hại hơn 505 tỉ đồng.

Lê Huy