|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bầu Thắng tung ngàn tỉ vào cảng biển

09:40 | 26/09/2017
Chia sẻ
Sau giai đoạn khó khăn 2010-2012, kết quả kinh doanh của Đồng Tâm đang được cải thiện, giúp công ty mạnh tay tung ngàn tỉ đồng cho dự án cảng Long An.
bau thang tung ngan ti vao cang bien
Bầu Thắng tung ngàn tỷ vào cảng biển

Một trong những sự kiện thu hút nhiều sự chú ý gần đây là Việt Nam xuất lô hàng 300 tấn thịt gà có giá trị cao sang thị trường Nhật, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại. Sự kiện này diễn ra trang trọng tại Cảng quốc tế Long An, đi cùng với sự kiện khởi công giai đoạn 2 của dự án cảng biển quốc tế có tổng vốn đầu tư lên lên đến 9.000 tỉ đồng. Ít ai biết, người đứng đằng sau chuỗi sự kiện đình đám đó là ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đồng Tâm.

Sau giai đoạn khó khăn năm 2010-2012, vị thế của Đồng Tâm hiện đã trở nên vững chắc hơn với kết quả kinh doanh cải thiện mạnh trong các năm gần đây. Nhưng liệu chiến lược mở rộng đầu tư vào một ngành đang chịu sức ép lớn về cạnh tranh như cảng biển sẽ mang lại trái ngọt cho ông Thắng?

Tài chính vẫn kém duyên

Đồng Tâm từng trải qua giai đoạn đầy cam go khi phải đối mặt với khoản lỗ lên tới 230 tỉ đồng trong hai năm 2011-2012 do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng trầm lắng, đi cùng với chi phí lãi vay tăng vọt. Đến cuối năm 2012, Đồng Tâm vẫn vay nợ gần 1.800 tỉ đồng, trong đó ¾ là nợ ngắn hạn. Tình thế khó khăn đó buộc ông Thắng phải tiến hành tái cấu trúc triệt để, trong đó thoái vốn khỏi các dự án bất động sản chưa hiệu quả để giảm gánh nặng tài chính và hàng tồn kho. Đi cùng với đó là một loạt các đề án được triển khai như đề án “29 ngày luân chuyển”, đề án “tối ưu hóa tồn kho hệ thống”, hay “xây dựng mức thu nhập hiệu quả cho kinh doanh”, giúp hiệu quả sản xuất và kinh doanh của Công ty dần khởi sắc.

bau thang tung ngan ti vao cang bien
Ông Võ Quốc Thắng đặt nhiều tham vọng cho Cảng quốc tế Long An. Ảnh: Tuyển Phan

Cùng với các chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi kể từ năm 2014, giúp cho mảng vật liệu xây dựng (gồm gạch ngói, bê tông, sơn tường, trang thiết bị nội thất) của Đồng Tâm khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, một số khoản nợ của Công ty được chấp thuận tái cơ cấu theo Thông tư 780 của Ngân hàng Nhà nước, giảm bớt áp lực lãi vay. Lợi nhuận ròng cho cổ đông của công ty mẹ từ mức âm dần tăng lên dương 277 tỉ đồng (năm 2015) và 232 tỉ đồng (năm 2016), tương ứng với EPS trung bình ở mức khá cao: khoảng 4.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, trong năm 2015, lợi nhuận đột biến Đồng Tâm đạt được có sự đóng góp lớn từ khoản đầu tư vào Kinh Đô với khoản lãi gần 300 tỉ đồng. Tuy vậy, không thể phủ nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty đang tăng trưởng ấn tượng. Đồng Tâm không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng truyền thống, mà đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như bất động sản, cảng biển, khu công nghiệp…

bau thang tung ngan ti vao cang bien

Trong đó, triển vọng thị trường gạch ốp lát cốt lõi của Đồng Tâm trong các năm tới dự báo khá khả quan. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ngành này còn dư địa tăng trưởng nhờ số lượng các dự án dân dụng và văn phòng tăng trưởng mạnh tại TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, Chính phủ đang áp dụng các chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp nội địa với tỉ lệ áp thuế nhập khẩu dao động từ 15-35%, giúp tỉ trọng gạch ốp lát nhập khẩu hiện chỉ còn chiếm khoảng 35% thị trường, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nội địa tăng tốc chiếm thị phần.

Trong khi “may mắn” với mảng vật liệu xây dựng bao nhiêu thì ông Thắng dường như gặp khó khăn bấy nhiêu ở mảng tài chính. Năm 2013, giữa lúc thị trường tài chính còn nhiều xáo trộn, ông Thắng gây bất ngờ khi tham gia vào Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Kienlong Bank với vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Người con trai của ông là Võ Quốc Lợi cũng tham gia vào ngân hàng khi nắm 4,68% tổng vốn điều lệ.

Tất nhiên, tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém không hề đơn giản. Trong năm 2016, mặc dù các chỉ tiêu về tổng tài sản, mạng lưới hoạt động, vốn huy động và dự nợ tín dụng tăng tưởng khá tốt nhưng do chi phí hoạt động và lập trích dự phòng tăng mạnh nên lợi nhuận trước thuế của Kienlong Bank chỉ đạt 152 tỉ đồng, giảm mạnh 28,36% so với năm trước, đồng thời là mức thấp nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.

bau thang tung ngan ti vao cang bien
Kienlong Bank vẫn là bài toán khó của bầu Thắng. Ảnh: kienlongbank.com

Trong năm nay, tình hình có vẻ sáng hơn khi lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của Kienlong Bank đạt khoảng 137 tỉ đồng, tăng trưởng mạnh so với mức 28,7 tỉ đồng lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Nhưng so với mức vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Kienlong Bank vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ đạt 367 đồng sau nửa đầu năm. Kèm theo đó là giá cổ phiếu trên sàn UPCOM của ngân hàng liên tục suy giảm từ mức 12.000 đồng đầu tháng 7 xuống chỉ còn 9.000 đồng hiện nay.

Bài toán nan giản Kienlong Bank tiếp tục cho thấy cái duyên với ngành tài chính của ông Thắng vẫn chưa tới, giống như bài học phiêu lưu vào ngành chứng khoán và bảo hiểm trong cơn sốt những năm 2008.

Mảnh ghép lớn cảng biển

Những khó khăn đó càng thôi thúc ông Thắng nhắm tới việc hoàn thành các dự án cảng biển ấp ủ lâu nay. Bởi vì, cảng biển được coi là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá thành sản phẩm, chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu của các địa phương. Cảng biển phải phục vụ cho hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm. Theo đó, Đồng Tâm nhắm tới mục tiêu đưa cảng biển thành động lực cho việc phát triển các dự án bất động sản gồm Khu công nghiệp Long An, Trung tâm thương mại và Khu đô thị Cần Giuộc (Long An)...

Mục tiêu này đang nhận được khá nhiều thuận lợi. Long An trong các năm gần đây nhận được sự quan tâm khá lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ hưởng lợi từ mạng lưới hạ tầng ngày càng được cải thiện. Có thể kể đến các dự án lớn tại đây như: Khu đô thị Waterpoint của Nam Long, Happy land của Khang Thông, dự án Five Star Eco city của Năm Sao, chuỗi 16 dự án của Vạn Thịnh Phát, khu đô thị trung tâm hành chính, thành phố Tân An của Trường Hải. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp như Tân Tạo, Đầu tư và Xây dựng Phúc Long, Long Hậu... Tất cả đều muốn chiếm giữ lợi ích tại cửa ngõ phía Tây thành phố, là điểm kết nối thành phố với toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú.

bau thang tung ngan ti vao cang bien

Là doanh nghiệp có trụ sở chính tại Long An, các nhà lãnh đạo của Đồng Tâm nắm được xu thế đó. Lý do là bên cạnh sở hữu các khu công nghiệp, việc đầu tư một cảng biển quốc tế có quy mô lớn để tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư đổ vào Long An sẽ là mảnh ghép khá hợp lý, đồng thời giúp cho chuỗi khu công nghiệp, các dự án bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng của Đồng Tâm thêm hoàn thiện.

Thực tế, ý tưởng sở hữu một cảng riêng biệt đã định hình trong tâm trí của ông Thắng từ lâu. Năm 2010, Đồng Tâm và Công ty Quản lý quỹ VinaCapial đã thành lập liên doanh để phát triển dự án Cảng quốc tế Long An trên sông Soài Rạp, nằm trong tổng thể dự án cảng - khu công nghiệp - khu dịch vụ và đô thị với diện tích 1.935 ha. Trong đó khu cảng có diện tích là 147 ha, Khu công nghiệp Đông Nam Á có 1.048 ha, cùng với khu trung tâm logistics rộng 239 ha.

Nhưng khủng hoảng tài chính quét qua ngay sau đó khiến cho dự án chậm tiến độ, việc VinaCapital quyết định thoái vốn cũng khiến dự án gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trải qua nhiều thách thức, giai đoạn 1 của dự án chỉ mới hoàn thành vào đầu năm nay với năng lực tiếp nhận chỉ là 700.000 TEU/năm. Nhưng một khi được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2023, Cảng quốc tế Long An sẽ có năng lực tiếp nhận lên đến 15 triệu tấn hàng hóa và 3,5 triệu TEU/năm, tức nằm trong top các cảng quốc tế lớn nhất tại khu vực miền Nam, chỉ đứng sau Cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

bau thang tung ngan ti vao cang bien
Cảng quốc tế Long An. Ảnh: enternews.vn

Việc chuyển mình của Đồng Tâm vào ngành cảng vào thời điểm này được cho là hợp thời. Theo Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngành khai thác cảng có những biến động mạnh mẽ kể từ sau năm 2009. Cụ thể, ROE của ngành từng đạt 19,2% năm 2009, sau đó giảm về 7,8% năm 2011 rồi cải thiện dần để đạt đến tỉ lệ 11,4 % vào năm 2016. Kết quả tích cực đó nhờ nền kinh tế bước vào chu kỳ phục hồi, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ mạnh vào Việt Nam kể từ năm 2015. Trong năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục diễn biến khả quan khi tăng trưởng 52% chỉ trong 7 tháng (đạt 21,93 tỉ USD) với chủ lực là các các đầu tư lớn nhất đến từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore, tạo ra nhu cầu lớn về hạ tầng khu công nghiệp, văn phòng cho thuê và giao thương hàng hóa.

Một thuận lợi khác về mặt cạnh tranh cho Cảng quốc tế Long An so với các cảng khác tại khu vực TP.HCM là sông Soài Rạp mới đây đã hoàn thành công tác nạo vét với kinh phí gần 2.800 tỉ đồng, giúp cho cụm cảng tại khu vực Hiệp Phước (Nhà Bè) và Cần Giuộc (Long An) có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 50.000 DWT, đồng thời giúp rút ngắn hành trình ra Biển Đông thêm 1 giờ. “Nếu không có cảng, phát triển giao thông đường thủy thì các khu công nghiệp, khu kho vận cũng không thể hoạt động. Khi Cảng quốc tế Long An hoạt động, đây sẽ là nơi tập trung hàng hóa nội địa của Long An, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ giao thương trực tiếp từ Long An đi quốc tế”, ông Võ Quốc Thắng nhận định.

Tất nhiên, cuộc dấn thân vào ngành hạ tầng cảng không phải không có rủi ro cho Đồng Tâm. Bên cạnh vốn đầu tư ban đầu quá lớn, các cảng muốn hoạt động hiệu quả phải có chiến lược cạnh tranh sắc sảo, tạo dựng mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp và hãng tàu, đồng thời bản thân cảng phải có hệ thống kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trong vùng để giúp luân chuyển hàng hóa thuận lợi và hưởng chi phí thấp hơn so với các đối thủ. Nếu xét các tiêu chí kể trên, hiện Cảng quốc tế Long An chỉ mới đạt được phần nào về hạ tầng giao thông kết nối, còn các yếu tố trọng yếu khác sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian và nguồn lực để cải thiện.

Rủi ro của ngành còn nằm ở tính bất định của dòng chảy hàng hóa theo chu kỳ của nền kinh tế. Đó còn là áp lực cạnh tranh giữa các cụm cảng sẽ càng khốc liệt ở khu vực miền Nam do ngày càng nhiều các tên tuổi lớn tham gia vào thị trường với công suất dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tới.

bau thang tung ngan ti vao cang bien

Theo FPTS, hiện có bốn dự án khai thác cảng đang được triển khai là Gemalink giai đoạn 1 - giai đoạn 2, Cảng Hoa Sen và Cảng Phước An. Trong đó, chỉ có dự án Gemalink giai đoạn 1 xác định sẽ đi vào hoạt động năm 2019. Với giả định tại khu vực miền Nam không phát sinh các dự án đầu tư cảng biển mới, thì chỉ bốn dự án này hoàn thành sẽ nâng tổng năng lực khai thác tại khu vực phía Nam lên mức hơn 18.600.000 TEU/năm, tăng hơn gấp đôi so với lượng lưu thông hàng hóa container hiện chỉ 7.900.000 TEU/năm.

Hiện ngành cảng biển Việt Nam còn chuẩn bị đón thêm một nhà đầu tư lớn là Công ty PT Intra Asia Indonesia. Công ty này tuyên bố sẽ hợp tác với một công ty của Việt Nam để xây dựng một cảng mới tại miền Nam có tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD. Vị trí xây dựng cảng chưa được PT Intra công bố chi tiết nhưng nếu được triển khai, dự án này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến cục diện ngành cảng phía Nam, trong đó có nhà đầu tư mới như Đồng Tâm. “Bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào cũng có rủi ro, từ bên trong lẫn bên ngoài, khách quan lẫn chủ quan. Trong kinh doanh cũng vậy, phải biết chấp nhận rủi ro và quan trọng là khả năng mình có thể kiểm soát được rủi ro hay không”, ông Thắng chia sẻ với NCĐT vào năm 2014.

Tuy nhiên, các mảnh ghép gồm khu công nghiệp và khu đô thị đã được Đồng Tâm hình thành. Vì thế, để tạo nên giá trị tổng thể cho nền tảng bất động sản này, dự án cảng biển không thể để chậm hơn, nhất là khi Đồng Tâm đang trên đà kiếm tiền tốt.

Nguyễn Sơn