|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2024, Long An tăng trưởng GRDP 8,3%, cao thứ ba Đồng bằng sông Cửu Long

08:00 | 23/01/2025
Chia sẻ
Nhìn chung, kinh tế Long An năm 2024 tăng trưởng khá tốt, với GRDP tăng 8,3%, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp cũng có dấu hiệu khởi sắc.

Theo Cục Thống kê Long An, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 8,3%, đứng thứ 21 cả nước và thứ ba vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tính theo giá hiện hành năm 2024, GRDP bình quân đầu người ước đạt 107,38 triệu đồng, tăng 11,15% so với năm 2023.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,82% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,08%; khu vực dịch vụ chiếm 26,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,7%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 so với năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Long An).

IIP tăng 11,04%

Tính riêng quý IV/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 5,08% so với quý III/2024 và tăng 17,04% so với quý IV/2023. Bình quân cả năm, IIP Long An tăng 11,04% so với năm trước, với 2/3 ngành công nghiệp cấp I ghi nhận tăng trưởng hai con số.

IIP năm 2024 so với năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Long An).

Hoạt động doanh nghiệp khởi sắc

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, luỹ kế từ đầu năm, toàn tỉnh có 2.550 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 26.070 tỷ đồng, tăng 29,97% về số lượng và tăng 8,25% về vốn so với năm trước.

Bên cạnh đó, có 232 doanh nghiệp giải thể, giảm 14,39%; 766 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 13,99%. 

Cục Thống kê Long An cho biết thêm, theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh tại 111 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý IV/2024 có 24,08% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khả quan hơn quý III/2024; 53,7% doanh nghiệp đánh giá là giữ ổn định và 22,22% doanh nghiệp đánh giá là khó khăn hơn. 

Về triển vọng năm 2025, có 31,49% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý I/2025 sẽ khả quan hơn quý IV/2024; 44,44% doanh nghiệp đánh giá là giữ ổn định và 24,07% doanh nghiệp đánh giá là khó khăn hơn. 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 100.000 tỷ đồng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 trên toàn tỉnh ước đạt 27.694,35 tỷ đồng, tăng 7,7% so với quý trước và tăng 17,99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 103.428,35 tỷ đồng, tăng 17,21% so với năm trước. 

Trong đó, bán lẻ hàng hóa ước đạt 66.482,26 tỷ đồng, tăng 21,14%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 10.109,81 tỷ đồng, tăng 15,53%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 26.836,28 tỷ đồng, tăng 9,05%.

CPI tăng 2,63%

Theo báo cáo, bình quân quý IV/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Long An tăng 0,52% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, CPI tăng 2,63% so với năm trước, với 9/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Hai nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm giáo dục giảm 11,61% và nhóm giao thông giảm 0,66%.

CPI bình quân năm 2024 so với bình quân năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê Long An).

Thu ngân sách vượt dự toán gần 25%

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An đạt 26.532,21 tỷ đồng, vượt dự toán 24,63% và tăng 26,59% so với năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 22.157,4 tỷ đồng, vượt dự toán 25,19% dự toán và tăng 25,31% so với năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.374,82 tỷ đồng, vượt dự toán 21,86% và tăng 33,48% so với năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương đến hết năm 2024 đạt 21.909,48 tỷ đồng, vượt dự toán 14,76% và tăng 4,2% so với năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 11.469,97 tỷ đồng, vượt dự toán 77,54% và giảm 1,21% so với năm trước; chi thường xuyên 10.431,77 tỷ đồng, vượt dự toán 4,41% và tăng 11,56% so với năm trước.

Dư nợ tín dụng tăng 7,8%

Ước tính đến cuối năm 2024, tổng vốn huy động trên toàn tỉnh đạt 115.574 tỷ đồng, tăng 10,89% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, huy động vốn bằng VNĐ đạt 113.447 tỷ đồng, tăng 10,46%; huy động vốn bằng ngoại tệ đạt 2.127 tỷ đồng, tăng 39,93%. 

Tổng dư nợ cho vay đạt 143.494 tỷ đồng, tăng 7,80% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 93.321 tỷ đồng, tăng 7,08%; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 50.173 tỷ đồng, tăng 9,18%. Đến hết năm, nợ xấu khoảng 2.665 tỷ đồng, chiếm 1,86% trong tổng dư nợ, tăng 62,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Anh My

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.