|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bát nháo thương hiệu nhôm Việt Pháp

22:30 | 12/06/2019
Chia sẻ
Trên thị trường nhôm Việt Nam hiện có gần 30 thương hiệu đăng ký kinh doanh có cụm từ 'nhôm Việt Pháp' khiến người tiêu dùng không biết đâu là hàng thật, hàng nhái.

Loạn thương hiệu nhôm Việt Pháp

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện tại, trên thị trường có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu có từ "nhôm Việt Pháp", chỉ khác nhau dấu câu, từ. Chỉ cần gõ cụm từ "nhôm Việt Pháp" trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,59 giây đã cho 16,2 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến các thương hiệu nhôm Việt Pháp.

Có thể kể đến như Công ty cổ phần Sản xuất nhôm Việt Pháp, mã số doanh nghiệp: 0314293597, thành lập ngày 17/3/2017, địa chỉ: 244D Phạm Đăng Giáng, phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM; Công ty TNHH Công nghiệp nhôm Việt Pháp, mã số doanh nghiệp: 0700688984, thành lập ngày 25/4/2014, địa chỉ: số nhà 148 A Vườn Lài, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM; Công ty TNHH Thương mại công nghiệp nhôm Việt Pháp, mã số doanh nghiệp: 0700753721, thành lập ngày 23/3/2015, địa chỉ: số 578, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam...

Riêng trên địa bàn Hà Nội, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, có đến 11 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có liên quan đến cụm từ "nhôm Việt Pháp", như Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp, mã số doanh nghiệp: 0104242130, thành lập ngày 11/5/2009, địa chỉ: lô A2, đường CN8 - Khu công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội; Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp Hà Nội, mã số doanh nghiệp: 0106840545, thành lập ngày 5/7/2015, địa chỉ: đội 9, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội; Công ty cổ phần Nhà máy nhôm Việt Pháp - Từ Liêm - Hà Nội, mã số doanh nghiệp: 0107915546, thành lập ngày 13/7/2017, địa chỉ: số 136, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội…

1

Một đặc điểm chung của các thương hiệu nhôm này là đều kinh doanh các mặt hàng liên quan đến nhôm, kính, các cửa, nội thất, mái tôn… và thương hiệu "nhôm Việt Pháp" nào cũng khẳng định, mình là đơn vị uy tín, sản xuất thương hiệu nhôm Việt Pháp thật. Thậm chí, có công ty còn đưa ra cảnh cáo về hàng giả, hàng nhái với người tiêu dùng.

Đơn cử, Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp khuyến cáo khách hàng: "Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin cửa nhôm Việt Pháp, hệ Việt Pháp. Vì vậy, nhà máy xin khuyến cáo: Trên toàn quốc, chỉ có duy nhất 1 trụ sở nhà máy Nhôm Việt Pháp, có địa chỉ tại: lô A2 - CN8 - Khu công nghiệp Từ Liêm - TP. Hà Nội. Để tránh nhầm lẫn và mua phải hàng hóa không đúng tiêu chuẩn chất lượng, xin quý khách hàng liên lạc theo địa chỉ trên website của nhà máy".

Hay Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp Hà Nội, cũng cam kết: "Sản phẩm hệ nhôm Xingfa, Việt Pháp được Nhôm Việt Pháp Hà Nội thiết kế, đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ và sản xuất trên dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2008 và được chứng nhận hợp quy của Bộ Xây dựng. Phân phối trên toàn quốc".

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nguyễn Văn Hiển, một doanh nghiệp tư nhân chuyên thi công, lắp đặt các hệ thống cửa nhôm, cửa cuốn, cửa kính cho các dự án trên địa bàn Hà Nội cho biết, thực ra, thương hiệu nhôm Việt Pháp hiện nay rất nhiều, người tiêu dùng không biết đâu để lựa chọn cho đúng.

1

Trên thị trường hiện nay có đến gần 30 thương hiệu nhôm Việt Pháp

"Thậm chí, nhiều lúc chúng tôi cũng không nhận biết được đâu là "nhôm Việt Pháp" thật. Đa số, chúng tôi thi công, lắp đặt khi chủ đầu tư hoặc người tiêu dùng đưa ra lựa chọn loại nhôm nào, nhưng đa số họ đều thích chọn sản phẩm mang thương hiệu nhôm Việt Pháp", anh Hiển nói.

Tiết lộ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Cường, chủ một cửa hàng chuyên sản xuất nhôm kính (cầu Diễn, Hà Nội) cho hay, để phân biệt được chất lượng các loại nhôm chỉ dân trong nghề mới biết được. Bởi đặc tính của sản phẩm nhôm thường giống nhau về hình thức, thậm chí có những sản phẩm cùng chất lượng, mẫu mã như nhau, nhưng lại dán đến hai, ba nhãn thương hiệu. Người tiêu dùng cũng chỉ nhận biết qua nhãn mác, còn chất lượng thì không thể.

"Đối với thương hiệu nhôm Việt Pháp hiện nay rất nhiều. Có thể do tâm lý thị trường, người tiêu dùng thường lựa chọn thương hiệu nhôm Việt Pháp, nên rất nhiều công ty đã gán chữ 'Việt Pháp' vào sản phẩm của mình để 'nâng tầm'. Còn chất lượng thì chỉ nhà sản xuất mới biết hoặc dân có thâm niên trong nghề như chúng tôi mới nhận biết được", anh Cường chia sẻ.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng loay hoay

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nguyễn Văn An, khu tập thể Nhà máy ZA34 phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gia đình anh mới mua được căn nhà ở đây, đang tu sửa lại để chuyển về ở. Chủ yếu là làm lại nội thất, cửa, mái che…, chủ yếu bằng nhôm, kính. Anh đã tham khảo một số thương hiệu nhôm, định mua nhôm Việt Pháp, nhưng khi kiểm tra thông tin thì thấy rất nhiều thương hiệu nhôm Việt Pháp, nên không biết đâu là hàng tốt.

"Hơn nữa, mới đây một thương hiệu nhôm Việt Pháp bị cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ xử lý vì nhái thương hiệu khiến người tiêu dùng như chúng tôi phải cẩn thận, nếu không sẽ bỏ tiền thật mua đồ giả", anh An nói.

Ở góc độ khác, các doanh nghiệp mang thương hiệu nhôm Việt Pháp khi giới thiệu sản phẩm đến khách hàng đều cam kết chất lượng sản phẩm của mình là tốt và hướng dẫn cách phân biệt nhôm Việt Pháp các loại. Tuy nhiên, chính các nhà sản xuất này cũng không biết hết thông tin về các công ty kinh doanh có tên giao dịch giống của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Phụ, Giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp cho biết, chính Công ty cũng không thể biết hết được các doanh nghiệp mang thương hiệu giống mình. Công ty được thành lập từ năm 2009, lúc này mới duy nhất một doanh nghiệp mang thương hiệu "nhôm Việt Pháp". Tuy nhiên, sau đó có hàng loạt doanh nghiệp lấy thương hiệu "nhôm Việt Pháp" ra đời.

"Chúng tôi có liên hệ với cơ quan chức năng thì họ nói các đơn vị này đăng ký tên doanh nghiệp theo đúng luật, nhưng vào thực tế sản xuất thì khó kiểm soát. Thậm chí, nhiều sản phẩm người ta không ghi cụ thể địa chỉ công ty, nên không thể phân biệt được. Điều này dẫn đến tình trạng "lập lờ đánh lận con đen" và những thương hiệu ra đời trước, người làm thật bị thiệt", ông Phụ nói.

Theo chia sẻ các các nhà phân phối, để chọn được cửa nhôm Việt Pháp có chất lượng tốt, đảm bảo tính cách âm, cách nhiệt, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ cho mỗi tòa nhà, người tiêu dùng cần chú ý tới các yếu tố cấu thành sản phẩm, từ thanh nhôm định hình, phụ kiện, kính sử dụng, kỹ thuật sản xuất, thi công lắp đặt.

Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều sản phẩm thanh nhôm hệ Việt Pháp với nhiều giá cả, độ dày và chất lượng khác nhau, nên việc lựa chọn với người tiêu dùng cũng là việc vô cùng khó khăn.

Anh Trần Văn Hiền, một doanh nghiệp có thâm niên thi công, lắp đặt, phân phối nhôm ở Đông Anh (Hà Nội), chia sẻ cách nhận biết sản phẩm nhôm đạt chất lượng như sau: Mặt cắt trong của thanh nhôm dày, bề mặt lớn, thiết kế nhiều khoang giúp cửa chịu lực tốt và khả năng cách âm, cách nhiệt.

Sản phẩm tốt phải đạt tiêu chuẩn về độ dày, từ 1,2 mm trở lên, cường độ và mạng oxy hóa phủ trên bề mặt từ 0,01 mm trở lên. Về màu sắc, nhôm tốt thì bề mặt sơn bóng, nhẵn mịn, màu sơn bền đẹp, đồng nhất. Một số thanh nhôm hệ Việt Pháp giá rẻ thường bớt nguyên liệu bằng cách giảm độ dày của nhôm (thấp hơn 1,2 mm) và tỷ lệ nhôm nguyên chất thấp, hoặc dùng nhiều nhôm pha tạp, nhôm tái chế…

Tuy nhiên, với những người không am hiểu về dòng sản phẩm này, sẽ rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm nhôm tốt, chất lượng cao.

"Người tiêu dùng nên lựa chọn nhà sản xuất, đại lý phân phối nhôm Việt Pháp uy tín. Những đơn vị như vậy không chỉ cung cấp sản phẩm tốt, mà còn đảm bảo các dịch vụ đi kèm như chính sách giá, lắp đặt, bảo hành, khuyến mại luôn tốt nhất", anh Hiền khuyên.

Nhất Nam