Thứ trưởng Bộ Công Thương: Đánh thuế CBPG đối với sản phẩm nhôm Trung Quốc là chuyện bình thường
Trả lời câu hỏi tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 5/2019 vào chiều ngày 31/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết tại Việt Nam có rất nhiều đơn vị liên quan và Bộ Công Thương trực tiếp được phân công và được giao chức trách này.
Vì vậy, khi có biểu hiện liên quan đến việc phá giá các sản phẩm vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã thực hiện theo đúng các qui định và tiến hành điều tra để nếu có vi phạm sẽ đưa ra các kết luận và áp thuế CBPG.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ ngoài việc phải kiểm soát những hành vi CBPG của các sản phẩm từ quốc gia khác, Việt Nam cũng đang chịu rất nhiều hành vi xử lí tương tự khi sản phẩm Việt vào những quốc gia khác, đặc biệt tại thị trường Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kí ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với một số mặt sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm, có xuất xứ từ Trung Quốc sau một thời gian tiến hành điều tra.
Biện pháp CBPG tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, với mức thuế 2,46 - 35,58%.
Các sản phẩm chịu thuế có mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90 (mã vụ việc AD05).
Biện pháp CBPG tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6.