|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất cập thủy sản xuất khẩu sang EU nhưng lại tắc đường vào siêu thị nội địa

15:35 | 09/07/2021
Chia sẻ
Sản phẩm thuỷ sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU nhưng khó vào siêu thị nội địa do quy định sử dụng chất kháng sinh Enrofloxacin trong Thông tư 10. Bất cập này khiến doanh nghiệp thủy sản mất cơ hội cạnh tranh tại thị trường 100 triệu dân.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 6 xuất khẩu thủy sản đạt 180 nghìn tấn, trị giá 780 triệu USD, tăng gần 14% về lượng và tăng 9% về trị giá so với tháng 6/2020.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 1 nghìn tấn, trị giá hơn 4 tỷ USD, tăng 13% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) tháng 5 tiếp tục tăng 30% đạt gần 95 triệu USD, sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 4 với 97 triệu USD.

Luỹ kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghịch lý xuất khẩu thủy sản đạt được kết quả tích cực ở thị trường EU nhưng lại khó bước chân vào hệ thống các siêu thị nội địa. Đây là bất cập được VASEP đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với đại diện các hiệp hội.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết Việt Nam được xếp vào top 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng lấn sâu vào thị trường nội địa 100 triệu dân lại khó.

Cụ thể hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU nhưng lại không thể đưa vào các siêu thị của Việt Nam vì bất cập trong việc thực hiện quy định đưa Enrofloxacin vào danh mục "Hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản" trong Thông tư 10 của Bộ NN&PTNT. 

"Loại kháng sinh này bị các thị trường như Mỹ, Nhật Bản cấm sử dụng. Trong khi EU, một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về ATTP cho phép sử dụng ở ngưỡng dưới 100ppb.

Nếu tuân theo Thông tư 10 thì hàng thủy sản xuất khẩu sang EU lại khó vào hệ thống siêu thị nội địa", ông Nam cho biết.

VASEP cho rằng cái khó của các siêu thị là khi kinh doanh tại Việt Nam phải tuân theo quy định pháp luật của Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, Hiệp hội đưa ra bất cập này để Bộ NNPTNT nắm tình hình và có giải pháp xử lý.

"Đặc biệt trong bối cảnh, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" thì bất cập này cần được nghiên cứu kỹ và điều chỉnh văn bản pháp luật phù hợp, không "đá" với các tiêu chí xuất khẩu chúng ta đang đáp ứng với các thị trường xuất khẩu khác" ông Nam cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết mặt hàng cồi so điệp của doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận chưa được kiểm tra khảo nghiệp xuất khẩu về một số quy định của EU, khiến việc xuất khẩu gian nan trong 2 năm nay.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đẩy nhanh tiến độ kiểm tra để sản phẩm cồi sò điệp có thể xuất khẩu sang EU vào dịp Noel. Nếu đến Noel chưa có văn bản, EU sẽ cắt các hợp đồng với doanh nghiệp" ông Nam nói.

Trước kiến nghị của VASEP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Để tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngoài sửa cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật… chưa đủ. Điều quan trọng không kém là sửa thái độ.

Bởi, nhiều quy định các bên đều thấy đúng nhưng cách thức triển khai quy định đôi khi khiến hiệu quả công việc chưa cao".

Hoàng Anh