Mỹ có thể dừng nhập khẩu thủy sản nếu đối tác vi phạm Đạo luật bảo vệ động vật có vú dưới biển
Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ, Đạo luật bảo vệ động vật có vú dưới biển (MMPA) ban hành vào ngày 21/10/1972.
Theo đó, tất cả các loài động vật có vú dưới biển đều được bảo vệ theo MMPA. MMPA nghiêm cấm các hành vi quấy rối, săn bắt, bắt hoặc giết bất kỳ động vật có vú nào dưới biển đối với công dân Mỹ, trong vùng biển của Mỹ cũng như việc nhập khẩu các loài động vật có vú dưới biển và các sản phẩm từ động vật có vú dưới biển vào Mỹ, trừ một số ngoại lệ trong quy định.
Bên cạnh đó, các loài động vật giáp xác (cá voi, cá heo và cá heo), động vật thuộc Bộ Bò biển (lợn biển và cá cúi) và một số loài động vật ăn thịt dưới biển (hải cẩu, rái cá, hải mã và gấu Bắc Cực) được bảo vệ theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Hướng dẫn các tuân thủ các quy định nhập khẩu của Đạo luật bảo vệ động vật có vú dưới biển của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) thông tin quy định của đạo luật áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nước ngoài nào có thủy sản xuất khẩu cá và sản phẩm cá sang Mỹ, trực tiếp hoặc thông qua một quốc gia trung gian.
Ngày 1/1/2017, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) thiết lập một khoảng thời gian được miễn 5 năm để cung cấp cho các quốc gia thời gian cần thiết để phát triển thích hợp với các chương trình quy định tương đương hiệu quả với quy định của Mỹ.
Trong khoảng thời gian này, các quốc gia có thể đánh giá trữ lượng động vật có vú dưới biển, ước lượng sản lượng đánh bắt không mong muốn và giảm tỷ lệ này bằng các mức so sánh với Mỹ trong cùng nghề cá tương tự.
Nghề cá sẽ yêu cầu các kết quả so sánh cho nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn và nhiều tiềm năng nhất trong 4 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 484 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ghi nhận bước tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên ngành khai thác thủy sản cần lưu ý rằng Đạo luật bảo vệ động vật có vú dưới biển của Mỹ còn chặt chẽ hơn thẻ vàng EC.
Nếu công tác quản lý, đánh giá số liệu không tương đương với Mỹ thì nước này có thể dừng nhập khẩu thủy sản chứ không phải cảnh báo thẻ vàng như EC".
VASEP cho biết, NOAA sẽ xác định các quốc gia nào có hoạt động đánh bắt cá thương mại xuất khẩu cá và các sản phẩm cá sang Mỹ và phân loại các nghề cá dựa trên tần số tương tác động vật có vú dưới biển với tư cách là "nghề cá được miễn" hoặc "nghề cá xuất khẩu".
Đối với nghề đánh bắt xuất khẩu là một hoạt động đánh bắt cá thương mại nước ngoài xuất khẩu cá và sản phẩm cá thương mại sang Mỹ và có nhiều khả năng gây tử vong ngẫu nhiên và tổn thương nghiêm trọng đến động vật có vú dưới biển trong quá trình hoạt động đánh bắt cá thương mại.
Đối với nghề đánh bắt cá được miễn là một hoạt động đánh bắt cá thương mại nước ngoài xuất khẩu cá và sản phẩm cá thương mại đến Mỹ có khả năng điều khiển từ xa trong việc không gây tử vong ngẫu nhiên hay thương tích nghiêm trọng nào đến động vật có vú dưới biển trong quá trình hoạt động đánh bắt.
Nghề cá đánh bắt được miễn cần phải loại bỏ 10% hoặc ít hơn đối với tỷ lệ đánh bắt không mong muốn bất kỳ trữ lượng động vật có vú dưới biển. Đồng thời, loại bỏ hơn 10% đối với tỷ lệ đánh bắt không mong muốn bất kỳ của các loài động vật có vú dưới biển.
Tuy nhiên nghề cá đó phải tự loại bỏ 1% hoặc ít hơn giới hạn số lượng đánh bắt không mong muốn hàng năm.
Trao đổi với người viết, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó vụ trưởng Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết khi xuất khẩu thủy sản sang Mỹ buộc chúng ta phải tuân thủ các quy định, điều kiện của đối tác.
Do đó, chúng ta cần xác định được tỷ lệ khai thác không chủ ý bằng các phương pháp đánh bắt như kéo lưới vây, lưới rê, lưới kéo, câu, mành… ảnh hưởng đến động vật có vú dưới biển.
"Theo quy định của Mỹ, nếu vượt quá 10% họ sẽ có biện pháp xử lý. Do đó, bên cạnh các biện pháp về mặt pháp luật, chúng tôi khuyến khích ngư dân lắp đặt camera hành trình, thiết bị định vị và thường xuyên cập nhật nhật ký khai thác.
Để khi phát hiện, bắt gặp các loài các loài động vật có vú dưới biển lưu vong có thể giải cứu, đưa chúng về tự nhiên", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, các cảng cá cần nắm bắt thông tin, truy xuất được các sản phẩm và quá trình khai thác. Đồng thời, có các chương trình điều tra, đánh giá số lượng các loài thú có vú dưới biển và xác định các nghề khai thác rủi ro để có biện pháp phù hợp.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc Đạo luật trên cơ sở Đề án bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản, cũng như những yếu tố riêng biệt của động vật có vú trên biển.
Điều này giúp chúng ta khẳng định với Mỹ và quốc tế về mong muốn phát triển ngành thủy sản bền vững, lâu dài cho thế hệ tương lai".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/