|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bảo vệ sản xuất trong nước để cạnh tranh bình đẳng khi hội nhập

14:59 | 26/01/2021
Chia sẻ
Tự do hóa thương mại cần đi đôi với các chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Việt Nam và cuộc chơi tự do hoá thương mại

Những hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ mang lại cho Việt Nam những cơ hội vàng để tăng trưởng kinh tế mà còn đi cùng hàng loạt thách thức khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu được miễn thuế hoặc áp thuế thấp; cạnh tranh không lành mạnh với hàng hoá nước ngoài bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt, gây thiệt hại cho sản xuất nội địa, đe dọa lợi ích lâu dài của người tiêu dùng và nền kinh tế.

Bảo vệ sản xuất trong nước để cạnh tranh bình đẳng khi hội nhập - Ảnh 1.

WTO đã có các quy định rõ về PVTM để bảo vệ sản xuất nội địa của các nước thành viên

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các FTA đều có quy định rõ về phòng vệ thương mại (PVTM) gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu. 

Vì khi một ngành sản xuất bị thu hẹp, phá sản do hàng nhập khẩu sẽ tác động đến kinh tế của ngành, công ăn việc làm và an sinh xã hội.

Một trường hợp dễ thấy là ngành mía đường Việt Nam hiện đang gặp khó bởi đường nhập khẩu giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng sinh kế của hơn 170.000 hộ nông dân trồng mía và các doanh nghiệp. 

Để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành đường nội địa, ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Thống kê từ hải quan cho thấy, 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập gần 1,5 triệu tấn đường, hơn 86% là từ Thái Lan, tăng gần 24 lần so với số lượng cả năm 2019, chiếm 75% nhu cầu tiêu thụ cả nước.

Đáng nói là giá xuất khẩu trung bình đường thô và đường tinh luyện của Thái Lan vào Việt Nam chỉ 334 USD/tấn (theo Văn phòng Hội đồng đường Thái Lan - OCSB).

Mức giá này chưa bằng một nửa giá đường bán tại thị trường nội địa Thái Lan và thấp hơn chi phí mía để sản xuất hiện ở mức 410 USD/tấn. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đường Thái Lan đang bán phá giá khi đổ bộ vào Việt Nam. Ngoài ra, Thái Lan còn có dấu hiệu trợ cấp cho ngành mía đường với gói hỗ trợ cho nông dân lên đến 325 triệu USD.

Một số nhận định cho rằng đây là cơ sở để Việt Nam khởi xướng điều tra và áp dụng áp dụng thuế PVTM chống bán phá giá đối với đường Thái Lan. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng cho đường nội địa trên sân nhà.

PVTM để đảm bảo cạnh tranh công bằng, tạo đà cho đường nội phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, áp thuế PVTM thành công sẽ không chỉ bảo vệ được 1,5 triệu việc làm, ổn định sinh kế cho hàng chục ngàn hộ nông dân mà còn tăng khả năng cạnh tranh cho ngành mía đường trong nước.

Nếu thuế được áp theo tỷ lệ phù hợp, giá đường nội sẽ cạnh tranh bình đẳng với đường ngoại nhập. Người dân sẽ bán được mía với giá tốt, gia tăng thu nhập. Doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu, thêm công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội. 

Nhờ đó, nông dân và doanh nghiệp có động lực để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, canh tác, tăng chất lượng, năng suất, nâng tầm vị thế và thương hiệu đường Việt Nam.

Nhưng cũng có thể, giá mía và đường tăng sẽ khiến việc canh tác, sản xuất mía đường phát triển ồ ạt về lượng mà thiếu sự đầu tư sâu về chất lượng, công nghệ… và ngành đường Việt ngày càng mất lợi thế khi hội nhập.

Trong khi đó, giá đường tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng không đáng kể vì số lượng tiêu thụ đường của mỗi gia đình hàng tháng là khá nhỏ. Với đơn vị kinh doanh, sản xuất sử dụng nguyên liệu chính là đường, giá tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá sản phẩm.

Ở một kịch bản khác, thuế PVTM được áp ở mức thấp, giá đường trong nước tăng với biên độ rất nhỏ. Người tiêu dùng, sỉ và lẻ, được hưởng lợi khi mua đường giá rẻ nhưng nông dân, doanh nghiệp sản xuất mía đường khó hoàn khó. 

Đường nội vẫn bị ép ngay trên sân nhà. Nếu đường nội đi vào ngõ cụt, thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu sẽ tạo nên tình trạng loạn giá bán, gây khó cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà quản lý.

Bảo vệ sản xuất trong nước để cạnh tranh bình đẳng khi hội nhập - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VCCI)

Trong chỉ thị số 28/CT-TTg, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ PVTM cần đi đôi với việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành mía đường hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường.

Giới chuyên gia cho rằng ngoài các biện pháp bảo vệ, nhà nước và doanh nghiệp cần những chính sách dài hạn để khuyến khích cơ cấu, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy sản xuất hoạt động hiệu quả, năng suất; đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nhằm tối ưu hóa quy mô, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và phế phụ phẩm để mía đường Việt Nam đủ sức cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.

Bích Thu