|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bảng giá vắc xin COVID-19: Rẻ nhất 4 USD/liều

17:30 | 20/08/2020
Chia sẻ
Tính tới thời điểm này, giá vắc xin rẻ nhất được công bố trên thế giới là 4 USD/liều của Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, loại đắt nhất là 72,5 USD/liều thuộc về Sinopharm, Trung Quốc.

"Gã khổng lồ dược phẩm quốc doanh" của Trung Quốc, Công ty Dược phẩm Quốc gia Sinopharm đã định giá cho hai loại vắc xin COVID-19 mà công ty đang phát triển với mức giá cao hơn hẳn so với các đối thủ quốc tế.

Một tờ báo tại Thượng Hải dẫn lời Liu Jingzhen, chủ tịch Sinopharm hôm 18/8 rằng giá cho hai liều vắc xin của họ sẽ có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ (145 USD) và sẽ có sẵn vào tháng 12 năm nay.

Ông Liu không nói rõ 1.000 nhân dân tệ là giá bán lẻ hay bán buôn, nhưng con số này hiện là mức giá cao nhất trong những loại vắc xin COVID-19 đã được công bố trên thế giới.

Một số "gã khổng lồ dược phẩm" gồm AstraZeneca và Johnson & Johnson đi theo nguyên tắc phi lợi nhuận đối với vắc xin đại dịch và đưa ra mức giá thấp cho các ứng cử viên vắc xin của họ. Tuy nhiên, các công ty dược này cũng được hỗ trợ nhiều từ chính phủ Mỹ và Anh.

Trái lại, các nhà phát triển vắc xin khác bao gồm Pfizer, Moderna, và Merck cho biết họ có mục tiêu về lợi nhuận.

Cho đến nay, loại rẻ nhất là vắc xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, khoảng 4 USD cho mỗi liều khi bán cho các chính phủ. Hiện loại vắc xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Nhà phát triển cũng đã kí hợp đồng với chính phủ Anh và Ấn Độ. 

Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, cho biết giá vắc xin của Đại học Oxford mà họ sản xuất cho sẽ dưới 1.000 Rs (13 USD) nếu được bán ở Ấn Độ.

Công ty Mỹ Johnson & Johnson đang chào bán các ứng viên vắc xin của mình với giá khoảng 10 USD cho mỗi liều, và đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liều.

Trong khi đó, Albert Bourla, giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết công ty sẽ bán vắc xin với giá khoảng 20 USD mỗi liều. Theo The Wall Street Journal đưa tin, Pfizer và công ty dược phẩm BioNTech của Đức đã kí một thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liều vắc xin với giá 1,95 tỉ USD. Ông Bourla cho biết thêm giá bán vắc xin ở các nước đang phát triển sẽ thấp hơn.

Về phía Moderna, hãng đã đưa ra một mức giá tương đối cao, và đạt được thỏa thuận mua bán vắc xin với một số quốc gia với giá từ 32-37 USD cho mỗi liều. Có ý kiến cho rằng giá vắc xin cao hơn là do qui mô sản xuất nhỏ.

Ngoài ra, ông Liu cũng không đề cập đến việc liệu việc tiêm chủng cho người dân có được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, hay có nằm trong chương trình tiêm chủng miễn phí của nước này hay không.

Tao Lina, chuyên gia về vắc xin tại Thượng Hải bày tỏ ông rất ngạc nhiên với giá vắc xin của Sinopharm vì chúng đắt hơn nhiều so với các nước phương Tây. Chuyên gia Tao cho rằng mức giá cao cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng miễn phí. “Tôi rất ngạc nhiên. Đó là vắc xin đắt nhất trên thế giới cho đến nay,” chuyên gia Tao nói.

“Dịch bệnh đã được kiềm chế tốt ở Trung Quốc đại lục. Nhu cầu về việc tiêm chủng hàng loạt là không quá bức thiết và có thể sẽ không được đưa vào danh mục miễn phí ”. 

Sinopharm đang phát triển hai loại vắc xin bất hoạt. Không rõ liệu mức giá mà chủ tịch Liu đưa ra có ảnh hưởng đến giá của hai ứng viên vắc xin dẫn đầu khác của Trung Quốc hay không. Các nhà phát triển của hai ứng viên khác là CanSino và Sinovac hiện chưa tiết lộ mức giá đề xuất của họ. 

Như Ý

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump sẽ tác động ra sao đến dòng vốn FDI toàn cầu?
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, sang đến "Trump version 2", rất có thể ASEAN không phải là mục tiêu của ông Trump trong năm 2025 mà Ấn Độ mới là điểm sáng đầu tư. Việt Nam có thể chỉ được hưởng lợi từ cuối năm 2025 trở đi.