Bán mảng kinh doanh lớn nhất cho công ty liên quan, Đức Long Gia Lai lãi kỷ lục
Lãi kỷ lục nhờ chuyển nhượng vốn
Theo báo cáo tài chính quý III, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) chứng kiến doanh thu giảm 24% chỉ còn 220 tỷ đồng chủ yếu do thoái vốn công ty con, lợi nhuận gộp cũng giảm 5% về mức 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty có doanh thu tài chính hơn 180 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và yếu tố đột biến trong kỳ này. Trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 235% lên gần 126 tỷ đồng là yếu tố tiêu cực nhất ảnh hưởng đến kết quả chung.
Kết quả, công ty có trụ sở chính tại phố núi Gia Lai ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 65 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận cao nhất đạt được trong một quý kinh doanh.
Ban lãnh đạo cho biết doanh số giảm chủ yếu do việc thoái vốn khỏi công ty con MassNoble ở nước ngoài vào ngày 31/7 nên mất phần lớn doanh thu bán linh kiện điện tử và được bù đắp bằng ghi nhận lãi thoái vốn vào doanh thu tài chính. Chi phí quản lý tăng vọt do thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và ghi nhận phân bổ lợi thế thương mại tăng so với cùng kỳ.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, Đức Long Gia Lai báo cáo doanh thu nhích nhẹ lên mức 815 tỷ đồng.Lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ đồng, cao hơn 150% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, doanh nghiệp phố núi đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý đầu năm, đơn vị đã hoàn thành được 58% mục tiêu về doanh thu và vượt gần 5% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Dù có lợi nhuận tích cực nhưng bức tranh tài chính của tập đoàn vẫn nhiều rủi ro. Tổng tài sản tiếp tục giảm so với đầu năm về dưới mức 5.000 tỷ đồng; riêng khoản phải thu ngắn hạn tăng vọt 180% chiếm gần 2.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.620 tỷ đồng; đây một trong các nguyên nhân khiến đơn vị kiểm toán vẫn hoài nghi về khả năng hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong báo cáo soát xét trước đó.
Nợ vay tài chính cũng là con số đáng ngại với tổng số dư hơn 2.600 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính cuối quý này vẫn còn 2.565 tỷ đồng trên vốn điều lệ 2.993 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán từng cho biết tập đoàn đang lên kế hoạch thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng giai đoạn 2024-2026 cũng như khả năng đàm phán thanh toán các khoản vay quá hạn với chủ nợ, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục.
Bán "nồi cơm" lớn nhất cho công ty liên quan
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Đức Long Gia Lai chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited cho CTCP Tập đoàn Alpha Seven (mã: DL1) với giá trị 255 tỷ đồng. Lãi thoái vốn công ty con trong quý là gần 130 tỷ đồng.
Alpha Seven tiền thân là chi nhánh Bến xe Liên tỉnh Đức Long Gia Lai, sau đó cổ phần hóa năm 2007 dưới tên CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai, tiếp tục thay đổi một số lần đến tên hiện tại.
Công ty này có trụ sở chính tại TP Thủ Đức (TP HCM) với vốn điều lệ hơn 1.062 tỷ đồng. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực: Điện tử công nghệ cao, Năng lượng tái tạo, Cơ sở hạ tầng - BOT, Bến xe - Bãi đỗ, Bất động sản, Thương mại dịch vụ, Đầu tư tài chính.
Điều đáng lưu tâm khi đây là công ty có liên hệ mật thiết khi từng là công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Hiện DLG đã thoái hết vốn khỏi DL1, không còn ghi nhận là khoản đầu tư vào đơn vị khác (đầu năm vẫn ghi nhận giá trị đầu tư gần 42 tỷ đồng).
Dù vậy, Alpha Seven vẫn là bên có liên quan đến Đức Long Gia Lai khi có cùng cổ đông lớn. Hiện Chủ tịch HĐQT DLG Bùi Pháp là cổ đông lớn nhất nắm giữ trực tiếp hơn 24% cổ phần DL1. Công ty TNHH Global Capital do ông Bùi Pháp làm chủ sở hữu cũng sở hữu 4,48% vốn điều lệ của DL1.
Trong khi MassNoble là công ty cốt lõi trong hoạt động của tập đoàn phố núi này, chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ, nhà máy đặt tại TP. Đông Quảng (Trung Quốc). Nhà máy sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp, màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Theo báo cáo kiểm toán 2023, doanh thu từ bán linh kiện điện tử của MassNoble đạt khoảng 573 tỷ đồng, giảm 30% so với năm liền trước. Dù vậy, đây vẫn là mảng chủ lực khi đóng góp tỷ trọng lớn nhất đến 51% nguồn thu của tập đoàn.
Mass Noble cũng "mang tiền về cho mẹ" khi ghi nhận lợi nhuận gộp 29 tỷ đồng, đóng góp 13% lãi gộp toàn tập đoàn. Mảng này cùng với hoạt động thu phí BOT và bán điện thương phẩm là 3 mảng chủ lực đem lại lợi nhuận cho tập đoàn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG đang phản ứng tích cực khi tăng trần lên 2.030 đồng/cổ phiếu và vẫn còn hàng triệu cổ phiếu chờ mua giá trần trong phiên sáng 29/10. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp hiện hơn 600 tỷ đồng.