Bộ Xây dựng bán hết 49% vốn TCT Sông Hồng gấp 3 lần giá thị trường
Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng đã đấu giá thành công hơn 13,2 triệu cổ phiếu Tổng CTCP Sông Hồng (Mã: SHG) vào ngày 22/12, để hoàn tất thoái toàn bộ hơn 49% vốn doanh nghiệp.
Đợt đấu giá ghi nhận có 2 nhà đầu tư trong nước (gồm một tổ chức và một cá nhân) mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu trên. Giá khớp là 10.500 đồng một cổ phần, đúng bằng với mức khởi điểm, tương đương với tổng số tiền mà cơ quan này thu về hơn 139 tỷ đồng.
Ngay trong phiên 22/12, cổ phiếu SHG trên thị trường chứng khoán bất ngờ tăng hết biên độ lên 3.100 đồng cho mỗi đơn vị. Như vậy, mức giá của thương vụ thoái vốn này cao hơn 3 lần so với giá thị trường.
Kể từ cuối tháng 9 đến nay, cổ phiếu SHG dao động chủ yếu trong vùng 2.000-2.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản nhỏ giọt. Cổ phiếu cũng bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu do âm vốn chủ sở hữu và 2 năm tài chính liên tiếp gần đây không tổ chức họp đại hội cổ đông).
Tổng công ty Sông Hồng là một trong những đơn vị thành viên đầu tiên của Bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958. Doanh nghiệp được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2009 và chính thức đưa cổ phiếu giao dịch từ tháng 4/2015.
Tổng công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng với nhiều công trình lớn đã từng hoàn thiện như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa), Nhà thi đấu đa năng Đà Nẵng, Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh)...
Bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp lại kém sắc với chuỗi kinh doanh lỗ liên tiếp từ 2015 đến nay. Báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2023 tiếp tục bị âm thêm 27 tỷ đồng và kéo tổng lỗ lũy kế lên đến 1.293 tỷ đồng, qua đó âm vốn chủ sở hữu gần nghìn tỷ đồng.
Khó khăn theo lãnh đạo doanh nghiệp nêu ra tại các cuộc họp cổ đông thường niên là do công tác thu hồi vốn tại các công trình thi công, dẫn đến tồn đọng vốn lớn. Việc này ảnh hưởng đến uy tín của tổng công ty với các tổ chức tín dụng cũng như gây phát sinh chi phí vốn.
Tình hình tài chính bết bát, mất cân đối nghiêm trọng còn gây khó khăn cho việc tiếp cận các công trình, công việc mới do Tổng công ty Sông Hồng không có khả năng trúng thầu.
Công ty kiểm toán từng đưa ra loạt kết luận loại trừ khi chưa thu thập được biên bản đối chiếu các khoản nợ phải thu và không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp về số dự phòng phải thu cần trích lập, đơn vị cũng không thể đưa ra ý kiến về tính đầy đủ của các khoản công nợ phải trả cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đối với báo cáo tài chính....
Khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản công nợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ vốn từ các cổ đông. Những điều kiện này khiến CPA Vietnam nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty.