|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Xây dựng sắp bán đấu giá 49% cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng, giá khởi điểm gấp gần 5 lần thị giá

15:24 | 07/12/2023
Chia sẻ
Bộ Xây dựng sắp đấu giá toàn bộ số cổ phần đang sở hữu tại Tổng công ty Sông Hồng với giá khởi điểm 10.500 đồng/cp, gấp 4,7 lần thị giá SHG chốt phiên 7/12.

Ảnh minh họa: Tổng CTCP Sông Hồng.

Bộ Xây dựng vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Tổng CTCP Sông Hồng (Mã: SHG) thông qua hình thức đấu giá, tương ứng tỷ lệ 49,04% vốn.

Buổi đấu giá dự kiến được thực hiện sáng ngày 22/12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời gian để các nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt cọc từ ngày 30/11 đến ngày 15/12.

Mức giá khởi điểm là 10.500 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền tối thiểu thu về nếu đấu giá thành công là 139 tỷ đồng.

Trong 6 tháng qua, cổ phiếu SHG giao dịch duy trì quanh vùng 2.000 đồng/cp và hầu như không có giao dịch trong nhiều phiên liên tiếp. Chốt phiên 7/12, cổ phiếu này dừng ở 2.200 đồng/cp. Như vậy mức giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra gấp 4,7 lần thị giá.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đấu giá cổ phần SHG. Năm 2020, Bộ Xây dựng từng tổ chức đấu giá toàn bộ số cổ phần SHG do Bộ sở hữu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp, trong khi giá cổ phiếu SHG thời điểm đó chỉ khoảng 2.000 đồng/cp. Tuy nhiên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo tạm dừng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Chính phủ thời điểm đó và chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Thua lỗ triền miên hậu cổ phần hóa

Tổng công ty Sông Hồng là một trong những đơn vị thành viên đầu tiên của Bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958 với tên gọi Công ty Kiến trúc Việt Trì. Tháng 8/2006, doanh nghiệp này được chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và lấy tên là Tổng công ty Sông Hồng. Vốn điều lệ hiện tại là 270 tỷ dồng.

Tổng công ty Sông Hồng phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/cp. Tháng 4/2015, Tổng công ty Sông Hồng lên UPCoM với giá khởi điểm 9.600 đồng/cp.

Kể từ sau khi cổ phần hóa, và đặc biệt là sau khi lên UPCoM, tình hình kinh doanh của công ty thụt lùi và liên tục thua lỗ. Đặc biệt trong năm 2018, tổng công ty lỗ kỷ lục gần 388 tỷ đồng.

Khó khăn được Tổng công ty Sông Hồng đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hằng năm là do công tác thu hồi vốn tại các công trình thi công, dẫn đến tồn đọng vốn lớn. Việc này ảnh hưởng đến uy tín của tổng công ty với các tổ chức tín dụng cũng như gây phát sinh chi phí vốn.

Tình hình tài chính bết bát, mất cân đối nghiêm trọng còn gây khó khăn cho việc tiếp cận các công trình, công việc mới do Tổng công ty Sông Hồng không có khả năng trúng thầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng công ty không có doanh thu từ hoạt động xây lắp, chỉ ghi nhận gần 4 tỷ đồng từ cung cấp dịch vụ, giảm 82% so với cùng kỳ. 

Chi phí lãi vay lên tới hơn 36 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ gần 27 tỷ đồng nửa đầu năm, nâng mức lỗ lũy kế tính đến hết quý II/2023 là 1.293 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Trên báo cáo soát xét, Công ty TNHH Kiểm toán CPA Vietnam đưa ra loạt kết luận loại trừ khi chưa thu thập được biên bản đối chiếu các khoản nợ phải thu, đồng thời không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp về số dự phòng phải thu cần trích lập. CPA Vietnam cũng không thể đưa ra ý kiến về tính đầy đủ của các khoản công nợ phải trả cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đối với báo cáo tài chính.

Kiểm toán cũng không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho ngày 30/6 của các công ty con và do đó không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu, đầy đủ và giá trị của hàng tồn kho cũng như số dự phòng giảm giá của hàng tồn kho cần trích lập,...

Ngoài ra, kiểm toán cũng nhấn mạnh tại ngày 30/6, tổng công ty có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền gần 987 tỷ đồng. Lỗ lũy kế 1.293 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 987 tỷ.

Khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản công nợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ vốn từ các cổ đông. Những điều kiện này khiến CPA Vietnam nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty.

Tại 30/6, tổng tài sản hơn 985 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn gần 381 tỷ đồng, trong đó phải thu của khách hàng 169 tỷ đồng. Công ty ghi nhận nợ xấu hơn 381 tỷ với giá trị thu hồi khoảng 118 tỷ.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.

Hàng tồn kho ở mức 405 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và các công trình khác.

Lượng tiền và tương đương tiền còn hơn 4 tỷ đồng, trong khi dư nợ tài chính hơn 313 tỷ. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận xấp xỉ 913 tỷ đồng chi phí phải trả khác như lãi vay, trích trước giá vốn công trình xây lắp,...

Trong danh mục tài sản bất động sản, công ty có 2 lô đất số 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là trụ sở của tổng công ty và 1 lô đất tại chi nhánh Lào Cai. Ngoài ra còn có dự án Khách sạn Royal Sông Hồng (Vĩnh Phúc) có tổng vốn đầu tư là 36,7 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương cho phép tổng công ty được tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án.

Minh Hằng

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.