Chân dung doanh nghiệp địa ốc trên sàn bị ngân hàng siết nợ
Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng mới đây đã thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Địa ốc Đà Lạt (UPCoM: DLR) với giá tối thiểu của khoản nợ là 18,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Khoản vay này phát sinh từ năm 2012, không có tài sản bảo đảm và được xác định là nợ xấu từ năm 2017.
Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án Nhân dân TP Đà Lạt, được giải quyết tại bản án số 20/2022/DS-ST ngày 20/5/2022. Hiện bản án đã có hiệu lực và đang được Chi cục thi hành án dân sự TP Đà Lạt thi hành theo Quyết định thi hành án số 100/QĐ-CCTHADS ngày 18/7/2022.
Ngân hàng đã làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt kê biên tài sản của Địa ốc Đà Lạt để bảo đảm cho việc thi hành án.
CTCP Địa ốc Đà Lạt được thành lập từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng. Năm 2008, doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng. Đây là một doanh nghiệp bất động sản có tiếng một thời ở thành phố ngàn hoa.
Dự án nổi bật nhất của Địa ốc Đà Lạt có thể kể đến là Khu dân cư Đồi An Tôn (TP Đà Lạt) quy mô hơn 11 ha. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi dự án nàyvào đầu năm 2022.
Lỗ lũy kế vượt vốn chủ
kết quả kinh doanh của Địa ốc Đà Lạt lộ rõ khó khăn vào năm 2016 khi doanh nghiệp lỗ sau thuế 18 tỷ đồng và tiếp tục lỗ hai năm sau đó. Tính đến cuối năm 2018,lỗ lũy kế của công ty vượt quá vốn chủ sở hữu theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm.
Địa ốc Đà Lạt giải trình giai đoạn 2016 - 2018 là ba năm thực sự khó khăn của công ty, hoạt động đầu tư dự án gặp khó, hoạt động xây lắp cầm chừng do đầu tư công của địa phương rất hạn chế, đấu thầu công trình không được vì lợi nhuận sau thuế của công ty âm nên không đáp ứng được điều kiện trong Luật Đấu thầu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thì đầu tư nhỏ giọt, không đồng bộ hiệu quả kinh tế không cao, thua lỗ kéo dài.
Cổ phiếu DLR của Địa ốc Đà Đạt theo đó rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và chuyển sang giao dịch ở sàn UPCoM vào tháng 5/2019.
Tranh chấp cổ phiếu nội bộ
BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 của Đại ốc Đà Lạt ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2022 là 69,3 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 17 tỷ đồng. Cùng thời điểm, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 43,8 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường, dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Phía kiểm toán sau đó đã có ý kiến ngoại trừ đối với vấn đề vừa nêu.
Cổ phiếu DLR của công ty vẫn đang bị hạn chế giao dịch và thực tế là không có thanh khoản kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay.
Liên quan đến việc không tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên hai năm tài chính gần nhất, thông tin tại báo cáo thường niên 2022 cho biết do còn tranh chấp số cổ phiếu của công ty; cổ phiếu đang tranh chấp giữa Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Ngọc Thanh với ông Phan Tấn Dũng và ông Lê Ngọc Khánh Việt đang đứng tên (tổng số hơn 1,3 triệu cp, tương ứng với 29,4% tổng số cp DLR).
Trong báo cáo quản trị công ty phát đi hồi tháng 7/2023, Địa ốc Đà Lạt cho biết hơn 1,3 triệu cổ phếu DLR, tương đương 29,4% vốn điều lệ công ty đang bị phong tỏa và đang trong quá trình xét xử của Tòa án Nhân dân quận 1 TP HCM. Mặc khác, các thành viên HĐQT đồng thời cũng là cổ đông lớn chưa thống nhất được việc tổ chức ĐHĐCĐ. Do đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 chưa được tổ chức.
9 tháng đầu năm nay, Địa ốc Đà Lạt đạt hơn 10 tỷ đồng doanh thu (tăng 15% so với cùng kỳ) và lỗ sau thuế hơn 976 triệu đồng. Tại ngày 30/9, hàng tồn kho của doanh nghiệp này ghi nhận gần 18 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án.
Riêng trong quý III/2023, doanh nghiệp ghi nhận chưa tới 4 tỷ đồng doanh thu (chủ yếu là trao đổi sản phẩm, hàng hóa) và hơn 295 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gần như không biến động so với cùng kỳ năm trước.
Theo doanh nghiệp, kết quả kinh doanh kém khả quan xuất phát từ việc thu hẹp sản xuất, tạm dừng và chuyển đổi mô hình quản lý tại một số đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả như Công ty Vật liệu Xây dựng Địa ốc Đà Lạt, Công ty Du lịch Mai Anh Đào.
Mặt khác, một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa phát sinh doanh thu, trong khi công ty phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp cũng như chi phí khấu hao và lãi vay.