|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đức Long Gia Lai muốn bán mảng kinh doanh lớn nhất

11:21 | 16/07/2024
Chia sẻ
Tập đoàn phố núi quyết định sẽ rút toàn bộ cổ phần tại công ty sản xuất linh kiện điện từ Mass Noble, một trong các lĩnh vực xương sống của tập đoàn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua tái cấu trúc khoản đầu tư vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited. 

Đức Long Gia Lai đã đầu tư 249 tỷ đồng để trở thành công ty mẹ của Mass Noble Investments Limited, tương ứng nắm giữ đến 97,73% vốn đơn vị. Đến nay, HĐQT thống nhất sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại công ty thành viên này.  

Tổng giám đốc được ủy quyền tìm kiếm đối tác chuyển nhượng phù hợp với điều kiện giá bán không được thấp hơn mệnh giá và không được thấp hơn giá trị sở hữu của tập đoàn do công ty thẩm định giá thẩm định.

Mass Noble Investments Limited là công ty cốt lõi trong hoạt động của tập đoàn phố núi này. Đơn vị này có trụ sở tại Road Town, Quần đảo Virgin Islands thuộc Anh. Ngành nghề chính là sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử viễn thông công nghệ cao.

Vào tháng 5/2015, Đức Long Gia Lai đã “thâu tóm” Mass Noble thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Cụ thể, tập đoàn phát hành gần 20 triệu cổ phiếu cho các cổ đông của Công ty Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cp, giá trị hơn 249 tỷ đồng. Tập đoàn sau đó nắm quyền chi phối Mass Noble đến nay. 

 Mass Noble đóng góp hơn phân nửa nguồn thu cho tập đoàn. Nguồn: HL tổng hợp. 

 Mass Noble là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ, nhà máy đặt tại TP. Đông Quảng (Trung Quốc). Đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40.000m2, tập trung sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp, màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Doanh thu công ty đã giảm mạnh trong năm ngoái và ban lãnh đạo dự đoán tiếp tục bị ảnh hưởng trong tương lai. Tập đoàn đang tích cực, đôn đốc thu hồi công nợ đã quá hạn, giảm tỷ lệ nợ quá hạn. 

Theo báo cáo kiểm toán 2023, doanh thu từ bán linh kiện điện tử của Mass Noble đạt khoảng 573 tỷ đồng, giảm 30% so với năm liền trước. Dù vậy, đây vẫn là mảng chủ lực khi đóng góp tỷ trọng lớn nhất đến 51% nguồn thu của tập đoàn. 

Mass Noble cũng "mang tiền về cho mẹ" khi ghi nhận lợi nhuận gộp 29 tỷ đồng, đóng góp 13% lãi gộp toàn tập đoàn. Mảng này cùng với hoạt động thu phí BOT và bán điện thương phẩm là 3 mảng chủ lực đem lại lợi nhuận cho tập đoàn. 

Trong khi đó, Đức Long Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi liên tục lỗ nặng trong 2 năm vừa qua, với con số lần lượt -1.197 tỷ và -578 tỷ đồng, điều này khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp đến cuối năm ngoái đã đến 2.664 tỷ đồng. 

Đơn vị kiểm toán nói rằng tập đoàn đang lên kế hoạch thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng giai đoạn 2024-2026 cũng như khả năng đàm phán thanh toán các khoản vay quá hạn với chủ nợ, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục. 

 Đức Long Gia Lai thua lỗ nặng nề buộc phải bán đi các tài sản cốt lõi. Nguồn: HL tổng hợp. 

Trong văn bản giải trình, lãnh đạo tập đoàn nói việc thua lỗ là do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo nguyên tắc thận trọng dẫn đến chi phí quản lý tăng cao, ban tổng giám đốc đã lập kế hoạch sản xuất và dòng tiền để trả nợ 2024-2026 nhằm đảm bảo tăng trưởng. 

Báo cáo tài chính quý I đã ghi nhận kết quả khởi sắc hơn với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là gần 28 tỷ đồng, công ty khẳng định hoạt động vẫn ổn định, khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện theo kế hoạch năm đã đề ra. 

Theo mục tiêu được cổ đông thống nhất, Đức Long Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 1.400 tỷ và có lãi sau thuế 120 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với kết quả năm 2023 dù ban lãnh đạo đánh giá vẫn có nhiều biến động từ kinh tế trong nước và thế giới.  

Tập đoàn còn cho biết đang đánh giá khả năng trả nợ thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn với số tiền hơn 200 tỷ đồng, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi nợ trong năm 2024 để cung cấp hồ sơ cho kiểm toán gỡ bỏ ý kiến ngoại trừ.

Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định sẽ tái cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi công nợ, cắt giảm chi phí nhằm mục tiêu giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức khác.

Tập đoàn đặt mục tiêu 2024-2026 sẽ thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản đảm bảo khoản vay, phối hợp với ngân hàng chuyển nhượng các tài sản kém hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ pháp lý các dự án năng lượng tái tạo, tìm kiếm đối tác huy động vốn, cân đối danh mục tài sản...

Trên thị trường, cổ phiếu DLG đang được giao dịch ở thị giá "trà đá" trong nhiều năm liên tiếp, hiên ở dưới 2.000 đồng/cp, giá trị vốn hóa tương ứng dưới 600 tỷ đồng. Mã chứng khoán này vào diện cảnh báo từ 2023 đến nay do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ. 

Huy Lê

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.