|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bán hàng online: 'Cánh cửa mới' để ngành gỗ thích ứng trong thời COVID-19

14:41 | 06/03/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng và tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc kết hợp giữa bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến được xem là giải pháp đối phó hiệu quả mà ngành gỗ Việt Nam cần thích ứng.

COVID-19 không chỉ là thách thức

Dịch virus corona (COVID-19) diễn biến phức tạp với sự lây lan rộng sang nhiều quốc gia từ Trung Quốc đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran,... đã khiến hàng loạt hội chợ nội thất trên toàn thế giới bị trì hoãn và hủy bỏ.

Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA Expo 2020) cũng là một trong số đó. Sự kiện theo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 11-14/3 với sự tham gia của 320 doanh nghiệp. 

Tuy nhiên,  ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), đại diện ban tổ chức, cho biết chương trình sẽ được dời đến thời điểm thích hợp sau khi hoàn toàn hết dịch COVID-19.

"Các hội chợ đầu năm là mùa bán hàng quan trọng của ngành gỗ, nội thất. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng mẫu mã sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020 để giới thiệu tại các triển lãm. Tuy nhiên do tình huống bất khả kháng nên kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi", ông Thắng cho hay.

Thực tế đây là tình hình chung của hàng loạt hội chợ nội thất trên toàn thế giới, như tại Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Italy... Đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận lượng lớn khách hàng quốc tế, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp ngành gỗ tìm cách tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Dịch COVID-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến một số cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, cho biết dịch COVID-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang đến một số cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam.

Về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần đảm bảo thể chất cho đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, chi tiêu không cần thiết sẽ phải cắt giảm, điển hình là các khoản đầu tư lớn, thậm chí cả chi phí marketing.

Bán hàng online: 'Cánh cửa mới' để ngành gỗ thích ứng trong thời COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ông cho biết trên thực tế, hầu hết nhà máy sản xuất đồ gỗ ở nước này chưa hoạt động trở lại, hoặc đang hoạt động cầm chừng. Do đó, các khách hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản... đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường thay thế, trong đó nổi bật là khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh đó các hiệp định CPTPP, EVFTA đi vào hoạt động sẽ càng tăng khả năng kết nối và ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc gia tăng sức mua lại là điều chưa thể dự báo.

Phải kết hợp giữa online và offline

Tại buổi Tọa đàm “Mô hình O2O: Nền tảng kinh doanh từ offline đến online" diễn ra chiều ngày 5/3 các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ của Việt Nam cần biết tận dụng thời cơ, cải tiến ở tất cả khâu vận hành và đẩy mạnh chuyển đổi không gian số.

Ông Shawn Xu, Phó Chủ tịch Silversea Media Group, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp công nghệ có trụ sở tại Singapore, thông tin hiện nay khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng công nghệ và tìm hiểu thông tin sản phẩm trên Internet trước khi quyết định mua tại cửa hàng hay trực tuyến.

Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nội thất nhưng chủ yếu là hàng gia công, nên lợi nhuận không nhiều và không có thương hiệu riêng.

Do đó, ông đề xuất: "Không chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống với những khách hàng lâu năm mà phải kết hợp giữa trực tiếp (offline) và qua công nghệ (online) để tiếp cận nhiều khách hàng mới hơn".

Đồng quan điểm ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cho rằng thương mại điện tử chính là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ trong bối cảnh hiện nay, khi mà COVID-19 đang "cản đường". Các đơn vị mua hàng không thể đến tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham quan nhà máy như truyền thống và người mua hàng ngại đến các showroom.

“Tiến đến O2O (online to offline) sẽ là cách thích ứng nhanh nhất cho các biến động hiện nay”, ông Dũng khẳng định.

Bán hàng online: 'Cánh cửa mới' để ngành gỗ thích ứng trong thời COVID-19 - Ảnh 2.

Đại diện HAWA và các hiệp hội, doanh nghiệp kí kết hợp tác. Ảnh: Như Huỳnh

Cũng tại buổi tọa đàm HAWA đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để đẩy mạnh mặt hàng gỗ trên các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, HAWA cùng BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai) kí kết với một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động quản trị và ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, showroom 3D,...

Đại diện HAWA, ông Nguyễn Chánh Phương dự đoán, nếu bắt tay vào công cuộc chuyển đổi ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sẽ cần 3-6 tháng để mở một website bán hàng hoặc phân phối qua một trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số hoàn toàn đòi hỏi lộ trình ít nhất 3 năm.

Bán hàng online: 'Cánh cửa mới' để ngành gỗ thích ứng trong thời COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT. (Ảnh: Như Huỳnh)

Còn theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất lúc này của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để có được những kết quả đột phá chỉ trong thời gian ngắn.

Sự chuyển hướng của các khách hàng lớn trên toàn cầu ra các khu vực ngoài Trung Quốc đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp ở thị trường trẻ và năng động như Việt Nam. Đẩy nhanh tốc độ và thích ứng nhanh chóng bằng việc tối ưu hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí là điều mà các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần ưu tiên để có thể tiên phong bứt phá trên thị trường.

Chuyển đổi số là một trong những chìa khoá giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trên. Cốt lõi của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, học máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây.



Như Huỳnh