Thương mại điện tử thay đổi ra sao sau nhiều năm 'đốt tiền'
Báo cáo tổng kết hoạt động của các sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 và nhận định cho 2020, do iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, App Annie và YouNet Media thực hiện, cho rằng thị trường này đang "dần trưởng thành hơn về nhiều mặt".
Khi phân tích hành vi khách hàng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng có đến 45% người dùng truy cập vào các sàn thương mại điện tử bằng cách gõ trực tiếp địa chỉ website vào trình duyệt chứ không cần tìm trên Google hay click vào quảng cáo.
Con số này cao hơn nhiều mức trung bình toàn cầu là 27,49%, theo dữ liệu năm 2019 của SimilarWeb.
"Mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành một phản xạ đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Mỗi khi xuất hiện nhu cầu, họ sẽ mở ứng dụng yêu thích trên điện thoại hoặc gõ địa chỉ website và truy cập ngay chứ ít phải đắn đo tìm kiếm hoặc lựa chọn như trước", nhóm nghiên cứu nhận định.
Theo công ty đo lường mạng xã hội YouNet Media, thương mại điện tử là một trong những ngành được quan tâm nhất trên mạng xã hội trong năm 2019, thu hút hàng triệu lượt thảo luận mỗi tháng.
Điều này cũng phần nào phản ánh mức độ phổ biến của mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cho rằng, giai đoạn "educate" người dùng đến năm 2019 đã "thành công rực rỡ".
Như vậy, sau nhiều năm thi nhau "đốt tiền", thị trường thương mại điện tử đã có "vinh quang' bước đầu. Người tiêu dùng quen với mua sắm trực tuyến hơn. Vì cạnh tranh, giá cả hàng hóa và chất lượng dịch vụ cũng dần nâng cao, mang lại lợi ích cho khách hàng.
Tuy nhiên, ở phía còn lại, thành quả này cũng phải trả giá rất đắt. Chỉ trong năm 2019, có ít nhất 4 tên tuổi dừng cuộc chơi thương mại điện tử dù từng rất tham vọng, gồm Adayroi, Lotte.vn, Robins.vn và VuiVui.
Bước sang 2020, đến lượt Leflair rơi vào khủng hoảng, khi không còn khả năng hoạt động, nhiều nhà cung cấp tố chưa thanh toán công nợ.
Còn trụ vững và dẫn đầu trên thị trường năm qua là "bộ tứ" Shopee, Sendo, Tiki và Lazada.
Theo Top 4 ứng dụng thương mại điện tử được sử dụng nhiều nhất năm 2019 tại Việt Nam của iPrice thì "bộ tứ" này duy trì phong độ dẫn đầu suốt cả năm, bất chấp cạnh tranh từ các ứng dụng ngoại mới xuất hiện và được tải nhiều như SHEIN và Wish.
Bản thân Shopee, Sendo, Tiki và Lazada cũng trưởng thành hơn sau nhiều năm. Từ cạnh tranh về khuyến mại và những sự kiện mua sắm giống hệt nhau lúc ban đầu, mỗi sàn dần định hình rõ hướng đi riêng trong năm qua.
Số liệu từ báo cáo cho thấy, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt mỗi tháng. Theo sau lần lượt là Thegioididong, Sendo, Tiki và Lazada.
Với hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ SEA Limited, Shopee cạnh tranh tốt trên mọi mặt trận. Họ giới thiệu tính năng Shopee Live trong tháng 3, quảng bá với Cristiano Ronaldo trong tháng 9, tổ chức Shopee Show trong tháng 11 rồi hợp tác giao hàng nhanh với Grab trong tháng 12.
Theo iPrice, trong bối cảnh SEA Limited đạt doanh thu năm 2019 tăng 152% so với năm ngoái thì Shopee chắc hẳn sẽ còn tiến xa.
Mới đầu năm, sàn này đã kịp giới thiệu tính năng Shopee Feed mà theo họ là sẽ "cung cấp các tính năng mang tính xã hội cho người dùng như tạo nội dung để tương tác với bạn bè, người mua hàng và người bán hàng".
Trong khi đó, Sendo tập trung chủ yếu vào chiến lược thu hút người dùng mới. Từ quý I sang quý II, lượng truy cập website của Sendo tăng đến 24%, đưa họ lên hạng 3.
Đồng thời, ứng dụng di động của Sendo cũng xếp hạng 2 về số lượt tải về trong quý II và quý III năm ngoái.
Tiki thì chọn cách "chậm mà chắc" khi hướng đến gia tăng trải nghiệm người dùng bằng việc ra mắt tính năng livestream TikiLIVE và phát triển hệ thống kho bãi, giao hàng nhanh. Kết quả, sàn này nhận được khá nhiều thiện cảm.
Báo cáo của iPrice ghi nhận sàn này xếp hạng nhì về mức độ yêu thích của người dùng mạng xã hội.
Trước đó, theo báo cáo từ Nielsen, Tiki sở hữu chỉ số NPS (chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng) cao nhất trong ngành thương mại điện tử Việt Nam suốt 5 tháng liên tục, từ tháng 09/2019 đến tháng 01/2020.
Cuối cùng, Lazada Việt Nam dành phần lớn năm cho các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí như Lazada Super Party, gameshow Đoán Giá, và Đại Nhạc Hội Lazada.
Vì đa phần các hoạt động này chỉ có cho di động nên Lazada tuy xếp hạng nhì về lượng người sử dụng ứng dụng nhưng chỉ xếp hạng 5 về lượng truy cập website.
Thành quả bước đầu, nhưng thách thức tiếp theo cho các công ty là làm sao để khiến mỗi người tiêu dùng tiếp tục mua nhiều và thường xuyên hơn mà không cần phải cạnh tranh về giá.
Điều đó mới giảm được áp lực "đốt tiền", nâng cao khả năng tăng trưởng bền vững và cải thiện lợi nhuận.
Một số động thái cho thấy, các sàn đang hướng đến việc "nâng niu" khách hàng hơn, nhằm tăng độ trung thành và khả năng chịu chi của họ.
Theo đó, tất cả thành viên "bộ tứ" đều tung ra tính năng livestream trên ứng dụng, song song với phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh về giao hàng nhanh trong 3 giờ, 2 giờ và thậm chí là 1 giờ.
"Các sàn thương mại điện tử đang manh nha tạo ra những giá trị mới, thực chất hơn nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời giảm lệ thuộc vào các chương trình giảm giá như trước đây.
Chỉ có như vậy, các sàn mới có thể tiếp tục tăng trưởng và có lợi nhuận về lâu dài", nhóm chuyên gia nhận định.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, cho rằng xu hướng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 sẽ được tăng cường tính cá nhân hóa, tương tác và xã hội hóa.
"Theo đó, chúng tôi giới thiệu cải tiến mới nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm mua sắm trực tuyến có tính cá nhân và giải trí cao", vị này nói.
Tương tự, từ góc nhìn của một công ty nội địa, đại diện của sàn Fado.vn cũng đánh giá rằng dịch vụ khách hàng, các chương trình giữ chân khách hàng và năng lực hậu cần tốt sẽ là 3 yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của các công ty thương mại điện tử trong năm nay.