Bán cổ phần Habeco thế nào cho lợi?
Bia Hà Nội là một thương hiệu lớn nhưng quá trình bán cổ phần còn nhiều rắc rối. Ảnh:TL |
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 11-10, ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Habeco cho biết, quá trình đàm phán với đối tác được ưu tiên là Carlsberg hiện vẫn đang được tiến hành cho đến hạn chót để kết thúc quá trình này (15-11). Ông Toàn phủ nhận vấn đề khiến cho cuộc đàm phán giữa hai bên kéo dài là do vướng mắc về giá mà cho rằng, còn nhiều thủ tục pháp lý trong quá trình đàm phán khiến hai bên phải cân nhắc hơn. “Nhà đầu tư thể hiện quan điểm muốn mua tối đa 51%, trong khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp như Habeco là 49%”, ông Toàn nói.
Vấn đề là đại diện Habeco và Bộ Công Thương đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra Bản công bố thông tin cho đợt chào bán để các nhà đầu tư biết được tỷ lệ Nhà nước sẽ thoái vốn bao nhiêu phần trăm trong đợt bán cổ phần lần này và bán theo hình thức nào. Ông Toàn cho biết, nếu quá trình đàm phán với đối tác chiến lược Carlsberg (hiện có 17,5% cổ phần tại Habeco) suôn sẻ thì sau đó sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.
“Cơ hội mua cổ phần của Habeco là bình đẳng với các nhà đầu tư, bất kể trong hay ngoài nước và quy trình này sẽ được thực hiện công khai, minh bạch”, ông Toàn giải thích thêm.
Vấn đề là đến thời điểm này Habeco vẫn chưa có được Bản công bố thông tin. Như quan điểm của Bộ Tài chính đưa ra mới đây, nếu đến 30-9 mà doanh nghiệp không hoàn tất bản công bố thông tin thì nên chuyển số cổ phần Nhà nước tại Habeco (81,8%) và cả Sabeco (89,59%) về Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý.
Ông Vương Toàn từ chối cho biết nếu trường hợp đàm phán với Carlsberg không thành thì quy trình tiếp theo của đợt chào bán sẽ diễn ra như thế nào: đấu giá công khai hay bán thỏa thuận cho các đối tác khác?
Không chỉ riêng Carlsberg, các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực sản xuất bia và một số quỹ đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến đợt chào bán này.
Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện một hãng bia lớn cho biết, vấn đề của Habeco hiện nay là phải tối ưu hóa giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp bằng các thông tin rõ ràng, quy trình bán minh bạch và phải tạo ra tính cạnh tranh trong đợt chào bán.
"Habeco muốn bán bao nhiêu phần trăm số cổ phần? Nhà đầu tư được quyền mua đến mức chi phối hay không? Quyền lợi của cổ đông được hưởng sau khi mua cổ phần cụ thể thế nào…? Hạn chế họ sẽ gặp phải là gì?”. Vị này cho rằng, mức giá chào bán của Habeco sẽ phụ thuộc vào những yếu tố đó. Mặt khác, nếu bỏ được tỷ lệ khống chế quyền mua 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài thì giá cổ phiếu sẽ còn cao hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng nhắc lại trường hợp Công ty TNHH Bia Huế (Huda Huế) bán 50% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này với giá 1.875 tỉ đồng hồi năm 2011 theo hình thức thỏa thuận không nên lặp lại vì thương vụ bán cổ phần kín theo hình thức này được đánh giá là quá rẻ cho một thương hiệu bia lớn tại miền Trung, với khoảng 8% thị phần bia cả nước và lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
Hiện Sabeco dẫn đầu thị trường với khoảng 40% thị phần, 25% thị phần thuộc về Heineken; Habeco giữ khoảng 18% đến 20% và phần còn lại của các hãng bia nhỏ.
Nếu không có bản cáo bạch thoái vốn trước 30/9, kiến nghị chuyển 2 ông lớn ngành bia về SCIC
Cục Tài chính Doanh nghiệp trình Bộ kiến nghị các giải pháp đảm bảo hoàn thành thoái vốn Sabeco và Habeco để chuyển tiền về ... |