Bán 3.072 tỷ đồng vốn Nhà nước tại DN, thu về 14.236 tỷ đồng
Theo số liệu mới nhất do Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) công bố, ba tháng đầu năm 2017 đã có 7 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị thực tế là 1.855 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 379 tỷ đồng. Vốn điều lệ của 07 đơn vị là 693,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 328,2 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 265,7 tỷ đồng... số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 86,3 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Cũng trong 3 tháng, đã thoái được 3.072 tỷ đồng vốn Nhà nước tại DN, thu về 14.236 tỷ đồng. Trong đó thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm 35,8 tỷ đồng, thu về 36,3 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) 1.703 tỷ đồng, thu về 2.061 tỷ đồng. Riêng SCIC đã bán vốn tại 15 DN với giá trị là 1.333 tỷ đồng, thu về 12.139 tỷ đồng (bao gồm số thoái vốn của SCIC tại Vinamilk với giá trị 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).
Trong năm 2016, đã thoái 5.149 tỷ đồng vốn Nhà nước thu về 18.832 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 67 DN với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 DN, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã CPH 508 DN với tổng giá trị thực tế DN là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Năm 2016 CPH 56 DN với tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 24.390 tỷ đồng.
Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp, CPH, tái cơ cấu thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập: Một số Bộ, ngành, địa phương, DN chưa tích cực, chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN...
Đáng lưu ý là việc bàn giao các DN đã CPH về SCIC còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn Nhà nước đầu tư tại các DN theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các DN sau khi CPH chưa được triển khai nghiêm túc, còn nhiều DN chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định...
Để đẩy mạnh CPH, tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, Cục tiếp tục đề nghị xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo DN Nhà nước, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả.
Cục cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng danh mục DN có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Và sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.