Bamboo Airways muốn bay thẳng sang Mỹ: Những bài toán đặt ra
Chiều 1/8, hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam (VAAST) đã tổ chức Toạ đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" để các chuyên gia bàn bạc, phân tích tổng quan về việc mở đường bay thẳng không dừng (non-stop) kết nối hai nước.
Qui mô thị trường đủ lớn, rộng cửa về thủ tục pháp lí
Nói về qui mô tiềm năng của thị trường bay thẳng Việt – Mỹ, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: "Thị trường vận tải hàng không đến Mỹ là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với trên 700.000 lượt hành khách vào năm 2017, tỉ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm".
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: PV.
Nói về vấn đề thủ tục pháp lí, ông Cường cho biết Cục Hàng không Việt Nam hiện đã đáp ứng Mức 1 (Category 1) về Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Mỹ (FAA) và do vậy không còn vướng mắc gì cả từ phía cơ quan quản lí Việt Nam và Mỹ trong mở đường bay thẳng.
Nếu các hãng bay nối chuyến hay bay có một điểm dừng kĩ thuật thì sẽ cần thêm sự cho phép của nước thứ ba, ông Cường nói.
Phân tích về dung lượng khách cho đường bay cụ thể xuyên Thái Bình Dương, ông Andy J. Gayer - Trưởng Đại diện Boeing tại Việt Nam cho rằng thị trường hiện nay rất tốt, có dữ liệu và nhóm để làm marketing.
Phân tích cho thấy tại Đông Nam Á, tiềm năng cho đường bay Manila – Mỹ là lớn nhất, ước tính gần 700 khách/ngày chưa được phục vụ (unserved), tiếp đến là thị trường cho đường bay TP HCM và Los Angeles, ước tính 409 khách/ngày.
Andy J. Gayer - Trưởng Đại diện Boeing tại Việt Nam. Ảnh: PV
Cả hai thị trường này đều rất lớn và chưa được khai thác. Còn thị trường cho San Francisco – TP HCM là 273 khách/ngày.
"Việt Nam có hai thị trường chưa được phục vụ, tổng cộng gần 700 khách/ngày hiện nay chưa được bay thẳng, tương đương gần hai cái máy bay, hoàn toàn có đủ khách để khai thác", Trưởng Đại diện Boeing tại Việt Nam nói.
Nói về việc hãng hàng không Mỹ là United Airlines từng bay thẳng vào năm 2004 nhưng sau đó phải ngừng, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Trương Phương Thành cho biết điều kiện hiện nay đã khác trước rất nhiều, tiêu biểu nhất là sự kiện Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 giúp quan hệ kinh tế, chính trị của Việt Nam với thế giới được mở rộng.
Ước tính tài chính của Bamboo Airways
Tại toạ đàm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways (do Tập đoàn FLC sở hữu 100%) đã trả lời các câu hỏi: Tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ và lợi ích kinh tế của đường bay này ra sao?.
Trước hết về mặt dung lượng tiềm năng, ông Trịnh Văn Quyết phân tích rằng dân số Việt Nam là 96 triệu người, còn Singapore – quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có đường bay thẳng tới Mỹ - chỉ có 5,8 triệu dân.
"Singapore Airlines phải đi "vợt" khách trên cả thế giới, có cả Việt Nam, trong khi chỉ tính riêng số lượng người Việt Nam ở Mỹ đã bằng nửa dân số Singapore, không có lí do gì nói bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng", ông chỉ ra.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: Bamboo Airways.
Về khả năng tạo lợi nhuận, ông Trịnh Văn Quyết tính toán: Bamboo Airways dự tính sử dụng máy bay Boeing 787-9 cho đường bay non-stop (không quá cảnh và không điểm dừng kĩ thuật) kết nối Việt Nam và Mỹ.
Trong trường hợp hãng chưa nhận được máy bay đặt mua từ Boeing, Bamboo Airways sẽ phải thuê với chi phí 1 triệu USD mỗi tháng, tương đương 23 tỉ đồng.
Nhiên liệu mỗi chuyến khứ hồi khoảng 175 tấn, giá trị khoảng 61 tỉ đồng mỗi tháng. "Một tháng hãng sẽ bay khoảng 17 ngày, một chuyến thông thường bay hết 15 tiếng, nếu bay vào mùa đông, ngược gió thì mất khoảng 17 tiếng", ông Quyết nói.
Chi phí kĩ thuật khoảng 16 tỉ đồng. Chi phí mặt đất khoảng 1 tỉ đồng. Các loại chi phí khác khoảng 6 tỉ đồng. "Tổng chi phí cho một chiếc Boeing 787-9 bay thẳng Việt-Mỹ mỗi tháng là 130 tỉ đồng", ông Quyết nhẩm tính.
Về nguồn thu, ông Quyết ước tính mỗi chuyến bay có thể chở theo trung bình 240 khách (một chiếc Boeing 787-9 có khoảng 310 ghế). Nếu hãng bán vé với giá 1.100 USD thì một tháng hãng thu về 116,3 tỉ đồng, tức là hãng lỗ khoảng 14 tỉ đồng.
"Tuy nhiên, chỉ cần hãng nâng giá vé lên 1.300 USD/vé khứ hồi, nhân với trung bình 240 khách mỗi chuyến, hãng sẽ có lãi khoảng trên dưới 8 tỉ đồng mỗi tháng", ông Quyết tính toán tiếp.
"Nếu chúng tôi thuê Airbus 350 với 280 ghế thì chúng tôi có thể có lãi đến hơn 28 tỉ đồng. Thậm chí, nếu Bamboo Airways qua thêm một nước thứ ba để đón thêm khách thì hiệu quả kinh tế còn lớn hơn những gì tôi vừa tính toán". ông Trịnh Văn Quyết đặt giả thiết.
Tuy nhiên đây chỉ là dự tính ban đầu, thực tế có thể sẽ có nhiều khác biệt như không đạt đủ số hành khách như mong đợi, giá vé xuống thấp do cạnh tranh, … ông Quyết cho biết đội ngũ của công ty đã lên các kịch bản khác nhau và có phương án chuẩn bị.
"Ban đầu hãng có thể chịu lỗ để thu hút khách hàng nhưng sau đó sau khi chứng minh được khả năng bay an toàn, bay đúng giờ cũng như chất lượng dịch vụ, Bamboo Airways sẽ nâng giá vé lên để có lãi", ông Quyết chia sẻ.
Cần sự hỗ trợ từ cả nền kinh tế
Với thông tin mà ông Trịnh Văn Quyết đưa ra, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cho biết ông đánh giá cao "cách tiếp cận thẳng thắn, mang tinh thần khởi nghiệp của Bamboo Airways".
Theo ông Lộc, mặc dù trong những năm đầu đường bay có thể chưa sinh lãi ngay, nhưng lợi ích về mặt tổng thể của Tập đoàn FLC bao gồm cả các lĩnh vực hàng không, du lịch, bất động sản là tương đối lớn. Tuy nhiên, thành công đến đâu còn phụ thuộc vào "bệ đỡ" của cả nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Bamboo Airways.
Thứ nhất, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành một công xưởng của các doanh nghiệp FDI thế hệ mới, rất nhiều sản phẩm chất lượng cao "hôm nay sản xuất ở Việt Nam, ngày mai phải có mặt ở Mỹ". Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không khá lớn.
Thứ hai, Việt Nam cũng được mệnh danh là bếp ăn thế giới, là 1 trong 18 quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng không.
Thứ ba, Việt Nam có 2 triệu kiều bào tại Mỹ, nhu cầu bay để về nước của họ rất lớn, cũng như số người từ Việt Nam sang Mỹ thăm người thân cũng không nhỏ.
Thứ tư, những người Mỹ đến Việt Nam dưới hình thức thăm lại chiến trường xưa cũng là dòng khách du lịch đáng chú trọng.
Thứ năm, Mỹ là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới, và ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam sang Mỹ.
Cuối cùng, Mỹ cũng là cái nôi của phong trào Khởi nghiệp nên thu hút rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ các nước trong đó có Việt Nam.
"Tất cả những điều trên mở ra tiềm năng rất lớn cho thị trường hàng không, đặc biệt là đường bay thẳng Việt – Mỹ", ông Lộc nhận định.
Những quan điểm thận trọng
Các chuyên gia có mặt tại Tọa đàm cũng tỏ ra cẩn trọng về kế hoạch mở đường bay thẳng Việt-Mỹ. Chẳng hạn, hai triệu người kiều bào Việt ở Mỹ không phải là hành khách của riêng Bamboo Airways hay của một hãng nào.
Nếu Bamboo Airways mở đường bay thẳng, hãng có thể sẽ phải cạnh tranh với các hãng khác cũng mở đường bay thẳng trong tương lai hoặc các khác bay nối chuyến, bay một điểm dừng có giá vé rẻ hơn.
Cũng với quan điểm thận trọng, TS Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao lưu ý 5 vấn đề cần giải quyết về việc mở đường bay thẳng sang Mỹ.
Ông Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao - Học viện Ngoại giao
Thứ nhất là vấn đề pháp lí, đối với nước Mỹ, vấn đề pháp lí chưa bao giờ đơn giản. Chúng ta phải đồng hành với các công ty luật của Mỹ để giải vấn đề này.
Thứ hai là vấn đề về an ninh. Trước đó, chính quyền Obama cho rằng khủng bố là mỗi đe doạ hàng đầu của nước Mỹ, đặc biệt là với ngành hàng không, nhưng mối lo hiện nay là an ninh mạng và sân bay.
Thứ ba là bài toán kinh tế, bởi nhiều ẩn số như giá cả nguyên liệu, hạ tầng quá tải … chưa được tính đến.
Thứ tư là vấn đề cạnh tranh với các hãng hàng không dịch vụ tốt khác. Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực…
"Việt Nam có lẽ đã vượt qua giai đoạn giảm thiểu rủi ro và đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận rủi ro trong một số trường hợp, bởi năng lực của chúng đã khác, nơi nào rủi ro cao thì cơ hội kinh doanh lại lớn", ông Tĩnh kết luận.
Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không cũng nêu ví dụ một băn khoăn liên quan đến vấn đề hạ tầng: "Bamboo Airways là hãng bay mới và qui mô nhỏ nên có ít suất (slot) cất hạ cánh ở sân bay. Nếu hãng mở đường bay sang Mỹ thì có thể phải cắt bớt một số slot ở sân bay mà trước đây dùng cho các đường bay khác".
Cựu Đại sứ Lê Công Phụng (ngoài cùng bên phải) ngồi cạnh Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại Tọa đàm chiều 1/8. Ảnh: PV.
Ông Lê Công Phụng – Cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ; Cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định: "Mở được đường bay thẳng sang Mỹ là nâng cao vị thế đất nước."
Nhưng ông Phụng cũng bày tỏ băn khoăn về mặt kinh tế: "Tôi đã nói chuyện với nhiều người làm trong ngành hàng không, tất cả đều nói chưa đường bay dài nào có lãi, từ Việt Nam đi London, Paris, Berlin đều đang lỗ".
"Vì vậy tôi thấy việc Bamboo Airways quyết tâm mở đường bay thẳng sang Mỹ là hành động rất dũng cảm. Có thể Bamboo Airways còn bí mật kinh doanh nào khác không thể tiết lộ ở đây", ông Phụng nói.