|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bài phát biểu của Chủ tịch Powell có thể thay đổi góc nhìn của Fed về lạm phát

17:48 | 25/08/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Fed Jerome Powell được dự kiến sẽ công bố một nỗ lực "chưa từng có" trong tuần này để thúc đẩy lạm phát nhằm duy trì mức lạm phát trung bình (khoảng 2%) sau một khoảng thời gian dài duy trì ở mức thấp.
Bài phát biểu của Chủ tịch Powell có thể thay đổi góc nhìn của Fed về lạm phát - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Nguồn: Bloomberg/Getty Images).

Theo CNBC, lịch sử sẽ ghi nhớ về Paul Volcker và Jerome Powell, hai vị chủ tịch Fed với hai lập trường trái ngược về lạm phát. Với Paul Volcker, ông được biết đến nhờ những chính sách kiềm hãm lạm phát vào giai đoạn 1979-1987. Trong khi đó, ông Powell được dự kiến sẽ công bố một nỗ lực "chưa từng có" trong tuần này để thúc đẩy lạm phát.

Dưới góc nhìn của một người tiêu dùng bình thường có thể thấy vô lí khi muốn tăng chi phí sinh hoạt, tuy nhiên các ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế học lại coi lạm phát quá thấp cũng là một vấn đề. 

Lạm phát thấp thường phản ánh một nền kinh tế phát triển chậm với mức sống thấp. Hơn thế nữa, lãi suất thấp khiến các nhà hoạch định chính sách có ít room để xử lí khi khủng hoảng xảy ra và cần tới việc nới lỏng chính sách.

Đó là lí do tại sao trong cuộc họp trực tuyến của các quan chức Fed tuần này, ông Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu về những nỗ lực cao nhất mà ngân hàng trung ương có thể làm để thúc đẩy lạm phát trở lại mức lành mạnh.

Một cụm từ mà ông Powell có thể sẽ nhắc tới đó là mục tiêu "lạm phát trung bình". Điều đó có nghĩa rằng Fed sẽ để lạm phát tăng cao hơn 2% (mức lành mạnh) trong một khoảng thời gian nếu trước đó lạm phát duy trì ở mức thấp hơn 2% trong một thời gian dài. 

Trên thực tế, Fed đã duy trì lạm phát dưới mức đó trong suốt hai năm kể từ khi cuộc đại suy thoái kết thúc vào giữa năm 2009.

Ông Tom Graff, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Brown Advisory, cho biết ông đặt nhiều kì vọng vào kết quả của cuộc họp hôm 27/8 tới.

Chính sách về lãi suất trung bình

Người đứng đầu chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng trung ương tại Evercore ISI, ông Krishna Guha, dự đoán rằng Chủ tịch Powell sẽ đưa đến một kế hoạch hành động có ảnh hưởng sâu sắc và ở mức rủi ro chấp nhận được để ổn định lạm phát trung bình trong cuộc họp tháng 9.

Ông Guha và nhóm của ông cho rằng Fed sẽ để lạm phát vượt quá mức trung bình trong giai đoạn phục hồi này để tránh tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm kéo dài do lạm phát yếu ớt, điều đã diễn ra ở Nhật Bản.

Bên cạnh kế hoạch về lạm phát, theo biên bản cuộc họp cuối tháng 7, Fed có khả năng sẽ củng cố cam kết về toàn dụng lao động. Hiện, tỉ lệ thất nghiệp nước Mỹ ở mức 10,2%, giảm so với mức đỉnh 14,7% vào tháng 4 nhưng cao hơn nhiều so với mức 3,5% trước đại dịch vào tháng 2.

Bài phát biểu của Powell có thể bao gồm lời hứa sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp nhất có thể cho đến khi lạm phát và việc làm đều ổn định. Để thực hiện được cả hai mục tiêu, Fed sẽ cần phải cam kết giữ lãi suất neo gần mức 0%. 

"Sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương là rất quan trọng. Hiện tại, ngân hàng trung ương không có bất kì cam kết nào rằng họ có thể hoặc sẵn sàng cho phép lạm phát cao hơn 2%, và đó là một vấn đề", theo ông Graff. "Dù vậy, hành động vẫn quyết định hơn lời nói. Fed có thể không tăng lãi suất ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp hơn."

Có nên duy trì chính sách mạnh mẽ?

Tuy nhiên, một câu hỏi mà Powell và Fed có thể phải trả lời là tại sao cần tiếp tục đưa ra các chính sách mạnh mẽ.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán nhìn chung đã phục hồi sau những tổn thất do đại dịch, thị trường việc làm đang tiếp tục phục hồi dù vẫn cách xa mức trước đó và nền kinh tế được kì vọng sẽ phục hồi một cách trong quí III khi các chính sách mở cửa dần mở rộng.

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho rằng khi thế giới đang tiến gần tới việc nghiên cứu ra vắc xin và các phương pháp trị liệu trước dịch bệnh COVID-19, Fed nên quay trở lại các chính sách như trước kia thay vì triển khai những kế hoạch về lạm phát.

Ông cho rằng Fed đang thổi phồng bong bóng khủng hoảng một lần nữa và đã đến lúc họ nên cân nhắc có nên tiếp tục các chính sách từ tháng 3 nhưng đến hiện tại không còn cần thiết nữa hay không.

Tuy nhiên, thị trường dường như vẫn đang trông chờ vào sự trợ giúp của Fed nhiều hơn.

Khi biên bản cuộc họp cuối tháng 7 được công bố, thị trường đã cân nhắc hơn khi dự đoán rằng Fed sẽ tiết lộ thêm về các biện pháp điều chỉnh lạm phát cũng như kiểm soát đường cong lợi suất. 

Trong bối cảnh khủng hoảng do COVID-19, các chương trình cho vay và hỗ trợ thanh khoản của Fed đã giúp ổn định thị trường và tạo niềm tin rằng NHTW sẽ chống lưng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, biên bản đó đã không đề cập đến những gì thị trường đang mong đợi. Sự thất vọng đó có thể làm dấy lên nỗi sợ hãi về tăng trưởng và lãi suất trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và điều đó có thể khiến các chỉ báo chứng khoán đi vào giai đoạn khó xác định, theo ông Michael Wilson, chiến lược gia cổ phiếu tại Morgan Stanley.

Do đó, ông Powell có lẽ sẽ phải cẩn trọng hơn khi vạch ra tương lai của Fed cũng như đưa ra lời lí do cho việc tiếp tục can thiệp đáng kể vào thị trường và nền kinh tế Mỹ.

Lê Huy