Chứng khoán Mỹ tụt khỏi đỉnh lịch sử sau nhận định của Fed
Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong nửa đầu phiên rồi sau đó chuyển biến xấu.
Đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,44% còn 3.375 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 85 điểm, tương đương 0,3%, kết phiên ở 27.693 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,6%.
Ngày 19/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách diễn ra cuối tháng 7. Theo biên bản này, các lãnh đạo hàng đầu của Fed nhận định: "Cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra sẽ gây lực nặng nề lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời tạo ra những rủi ro lớn với triển vọng kinh tế trong trung hạn".
Trong cuộc họp tháng 7, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở khoảng tối thiểu 0-0,25% vì cho rằng nền kinh tế vẫn rất cần hỗ trợ về tiền tệ.
Chỉ số S&P 500 đang tăng điểm và lập đỉnh mới đã lập tức sụt giảm sau khi các nhận định tiêu cực của Fed được công bố. Dow Jones và Nasdaq cũng chuyển từ xanh sang đỏ chỉ vài phút sau bình luận của Fed.
Đầu phiên 19/8, các chỉ số đi lên, tâm lí nhà đầu tư tích cực khi Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ chạm mức vốn hóa 2.000 tỉ USD. Chỉ trong hai năm, Apple đã nhân đôi vốn hóa của mình.
Riêng trong năm 2020, giá cổ phiếu Apple đã tăng gần 60%, giúp đại gia công nghệ này trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán Mỹ. Kết phiên 19/8, vốn hóa Apple giảm nhẹ so với đỉnh vừa thiết lập, còn 1.980 tỉ USD.
Trước đó vào phiên 18/8, chỉ số S&P 500 đã vượt qua mức đỉnh của ngày 19/2/2020 - trước khi cơn bão COVID-19 đổ bộ dữ dội vào nước Mỹ. Việc S&P 500 lập đỉnh mới còn đánh dấu bước khởi đầu của một giai đoạn thị trường giá lên mạnh mẽ.
Kể từ đáy ngày 23/3 tới nay, S&P 500 đã tăng hơn 50%. Nasdaq Composite cung leo lên điểm cao mới ngày 18/8.
Tuy nhiên theo CNBC, trong tương lai gần, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều biến động và rủi ro. Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Mỹ đang giảm dần nhưng các chuyên gia đang tỏ ra thận trọng khi học sinh sinh viên bắt đầu quay trở lại trường học. Một số trường đại học đã buộc phải chuyển sang dạy online hoàn toàn để tránh lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 1.000 tỉ USD vẫn đang bế tắc tại Quốc hội Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chỉ trích các lãnh đạo Đảng Dân chủ không chịu hợp tác để thông qua dự luật. Điểm vướng mắc chính giữa hai đảng hiện nay là qui mô chương trình trợ cấp thất nghiệp.