Ba kịch bản cho thị trường chứng khoán Mỹ sau khi có vắc xin COVID-19
Cố gắng dự đoán diễn biến tiếp theo của thị trường tài chính 2020 có thể là một trải nghiệm bẽ bàng. Các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ liên tục cạnh tranh ảnh hưởng với một cuộc suy thoái lịch sử và đại dịch toàn cầu. Liệu bên nào sẽ thắng thế?
Thị trường chứng khoán Mỹ đã sụp đổ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 3. Ngay sau đó thị trường lại quay đầu tăng mạnh mẽ, đẩy S&P 500 lên mức đỉnh cao nhất mọi thời đại.
Không có gì là chắc chắn. Tuy vậy, trong danh sách những sự kiện nhiều khả năng thay đổi tâm lí thị trường trong một nốt nhạc có một chất xúc tác luôn hiện ra trong tâm trí các chuyên gia Phố Wall: việc phát hiện một loại vắc xin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả.
Nếu và khi viễn cảnh này thành hiện thực, liệu chứng khoán Mỹ có nhận được cú hích lớn? Các chuyên gia Phố Wall trả lời: "Có thể". Dưới đây là ba kịch bản Bloomberg thu thập được từ các nhà quản lí quĩ và giám đốc đầu tư Phố Wall.
Một loại vắc xin an toàn, hiệu quả và sự quay trở lại cuộc sống bình thường có thể nhanh chóng khiến các nhà hoạch định chính sách thay đổi thái độ về số tiền khổng lồ mà họ đã rót vào nền kinh tế. Nếu họ vội vã chấm dứt các biện pháp hỗ trợ, niềm vui của nhà đầu tư có thể sẽ không kéo dài lâu.
Bảng cân đối kế toán của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phình to tới 7.000 tỉ USD khi cơ quan này bơm thanh khoản vào thị trường tài chính, tăng cường mua trái phiếu Kho bạc chính phủ và lấn sân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Lượng mua vào lớn của Fed cộng với làn sóng đầu tư trái phiếu "bắt chước Fed" khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm mạnh và giữ chi phí vay tiền của doanh nghiệp ở mức thấp.
Cổ phiếu cũng được hưởng lợi. Nhà đầu tư thấy rằng doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục được cấp tín dụng, đồng thời lợi suất trái phiếu thấp khiến cho cổ phiếu có vẻ là khoản đầu tư hấp dẫn hơn.
Một số người lo ngại khi cuộc sống quay trở lại bình thường thì những gì đã xảy ra trong năm 2013 sẽ tái diễn. Khi Chủ tịch Fed bấy giờ là Ben Bernanke gợi ý đã đến lúc kết thúc chính sách nới lỏng định lượng, nhà đầu tư đã hoảng sợ và ồ ạt rút vốn, khiến giá chứng khoán tụt dốc.
Ông Yousef Abbasi, Giám đốc đầu tư tại mạng lưới dịch vụ tài chính StoneX cho rằng liệu kịch bản này có thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc vào cách Fed hành động.
"Fed sẽ phải thu hồi một cách nhẹ nhàng và cẩn thận các biện pháp chính sách đã được kích hoạt trong đại dịch. Nhiều khả năng việc này sẽ khiến cả thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu phải trải qua một giai đoạn biến động cao và không mấy dễ chịu, trừ khi Chủ tịch Jay Powell là một nhà ảo thuật gia tài giỏi hơn những người tiền nhiệm".
Có lẽ lo lắng về viễn cảnh thị trường chứng khoán lao dốc là thừa thãi. Dù sao thì việc có được một loại vắc xin có thể khống chế căn bệnh đã làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu hẳn là điều đáng ăn mừng.
"Nếu một điều có thể khiến thị trường tăng điểm mạnh mẽ thì nó hẳn phải là vắc xin COVID-19", ông Randy Frederick, Phó Giám đốc phụ trách giao dịch và phái sinh của công ty chứng khoán Charles Schwab khẳng định.
Fed không nhất thiết phải vội vàng từ bỏ các nỗ lực kích thích lớn. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Fed mới chỉ đang dần thu lại các biện pháp hỗ trợ đã tung ra trong cuộc khủng hoảng 2008.
"Khi ngân hàng trung ương tiến hành nới lỏng định lượng như những gì Fed từng làm 12 năm trước, họ sẽ rất khó dừng lại. Đây cũng là điều chúng ta đã chứng kiến trên khắp toàn cầu", bà Katy Kaminski, nhà quản lí danh mục tại AlphaSimplex Group nói.
Ngay cả sau khi người dân bắt đầu được tiêm chủng thì cũng phải mất một khoảng thời gian trước khi tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Ông Gennadiy Goldberg, chuyên gia cấp cao tại TD Securitie dự đoán: "Fed muốn lãi suất thấp và điều kiện tín dụng dễ dàng, cung cấp thêm nhiên liệu cho cuộc hồi phục".
Kết quả, chứng khoán có thể tăng giá trên diện rộng, các cổ phiếu đắt đỏ tiếp tục đi lên, sự hỗ trợ của Fed khiến giá trái phiếu được duy trì ở mức cao còn lợi suất thì ở mức thấp.
Ông Tai Hui, Giám đốc đầu tư thị trường châu Á tại JPMorgan cho biết cổ phiếu giá trị có thể trở thành kẻ chiến thắng trong thế giới hậu vắc xin COVID-19. Đặc biệt, những cổ phiếu đang tụt hậu so với thị trường như hàng không, tài chính và hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể bật tăng.
Kịch bản cổ phiếu giá trị thăng hoa được xây dựng dựa trên thực tế rằng thị trường giá lên hiện nay thực chất lại không giúp ích cho nhiều cổ phiếu. Đà tăng của thị trường chủ yếu được dẫn dắt bởi một vài cổ phiếu công nghệ mà nhà đầu tư cho rằng cực kì thích hợp với xu hướng người tiêu dùng ở nhà để tránh lây nhiễm, như Apple, Netflix hay Amazon.
Một loại vắc xin cho phép mọi người tự tin đi mua sắm, du lịch và ăn nhà hàng có thể mang lại cơ hội cho các công ty khác.
Điểm yếu của tất cả các kịch bản trên là việc điều chế một loại vắc xin hiệu quả hay phân phối chúng rộng rãi không phải là điều dễ dàng.
Ông Peter Berezin, Giám đốc đầu tư tại BCA Research cho biết: "Thất bại trong việc sản xuất vắc xin COVID-19 đồng nghĩa với việc miễn dịch cộng đồng là con đường duy nhất để thoát khỏi đại dịch. Điều này sẽ rất đáng thất vọng đối với các tài sản rủi ro".