|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed: Dịch COVID-19 có khả năng gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính

12:25 | 20/08/2020
Chia sẻ
Các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quan ngại rằng COVID-19 sẽ tiếp tục tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và tiềm ẩn khả năng tạo ra nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính.
Fed: Dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến hoạt động kinh tế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Getty Images

Theo Bloomberg, trong biên bản họp cuối tháng 7, các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) bày tỏ lo ngại tại cuộc họp gần đây nhất của họ về tương lai của nền kinh tế, cho rằng dịch COVID-19 có khả năng sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng và có khả năng gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính.

Tác động nặng nề từ dịch bệnh

Biên bản cuộc họp chỉ ra rằng: "Các thành viên đồng thuận rằng cuộc khủng hoảng y tế công cộng đang diễn ra sẽ tác động nặng nề đến hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro với triển vọng kinh tế trong trung hạn".

Dự báo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về sự phục hồi kém khả quan hơn khiến thị trường chứng khoán quay đầu giảm điểm. Trong khi đó, đồng USD tăng mạnh.

Theo ông Marvin Loh, chiến lược gia tại State Street, cho rằng: "Các dữ liệu cho thấy nền kinh tế còn rất bất ổn. Fed muốn có một bức tranh rõ ràng về nền kinh tế sẽ trước khi họ cam kết điều gì đó."

Trong phiên họp cuối tháng 7, các quan chức Fed đã giữ nguyên lãi suất gần mức 0% và tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và trái phiếu có thế chấp với sức mua khoảng 120 tỉ USD một tháng.

Triển vọng không chắc chắn

Tại họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết con đường phía trước của nền kinh tế là "cực kì không chắc chắn" và sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát COVID-19. Với tình trạng lây nhiễm ngày càng gia tăng ở một số bang của Mỹ, sự phục hồi có khả năng đang bị suy yếu.

Đáng chú ý, một số quan chức cho biết tác động lâu dài của đại dịch có thể dẫn đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp có thể "làm chậm tốc độ tăng trưởng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong một thời gian".

Ông Thomas Barkin, Chủ tịch của Fed Liên bang Richmond, phát biểu vào cuối 19/8: "Tính không chắc chắn là khá cao. Và tôi nghĩ rằng sự không chắc chắn này có ảnh hưởng lớn đến với các thành phần trong nền kinh tế và cũng đến chính nền kinh tế. Hiện tại, Fed đang làm rất nhiều để hỗ trợ nền kinh tế và chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ đó."

Ngay cả khi đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thay đổi định hướng trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách tại cuộc họp vẫn tiếp tục thảo luận về các điều kiện hợp lí để thay đổi chính sách tiền tệ.

Giới chức trách có các lựa chọn bao gồm chờ đợi tỉ lệ lạm phát hoặc thất nghiệp đạt đến mức mong muốn trước khi tăng lãi suất, hay có những thông báo rõ ràng xung quanh việc mua tài sản để thúc đẩy các điều kiện tài chính phù hợp và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Mặc dù đã lùi thời gian đưa ra định hướng chính sách, nhưng Fed vẫn tiếp tục với một tuyên bố mới về các mục tiêu và chiến lược dài hạn.

Lo lắng lạm phát và lãi suất thấp làm xói mòn khả năng chống suy thoái của ngân hàng trung ương, Fed đã dành toàn bộ năm 2019 và phần lớn thời gian của năm nay để tiến hành đánh giá khung kế hoạch toàn diện đầu tiên.

Nhiều dự đoán cho rằng Fed sẽ chấp nhận tăng lạm phát mục tiêu ở mức 2% hoặc có thể cao hơn nữa.

Kiểm soát đường cong lợi suất

Bên cạnh đó, các quan chức lại tỏ vẻ không hào hứng với việc giới hạn lợi suất trái phiếu kho bạc.

Trong số những người tham gia thảo luận về lựa chọn này, hầu hết đều đánh giá rằng giới hạn lợi suất và mục tiêu có thể chỉ mang lại lợi ích khiêm tốn trong bối cảnh hiện tại. Điều này bởi định hướng chính sách trước đó của Ủy ban về đường đi của lãi suất quĩ liên bang đã có vẻ như rất đáng tin cậy và lãi suất dài hạn đã ở mức thấp.

Lê Huy