|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học về dịch vụ từ sự ế ẩm của xe buýt trước sự bùng nổ của xe ôm công nghệ

13:59 | 14/05/2019
Chia sẻ
"Cư xử thô lỗ với khách hàng", "môi trường trong xe nóng nực", "bất tiện hơn" là những nguyên nhân khiến hành khách bỏ xe buýt để gọi xe ôm công nghệ hay dùng các phương tiện khác.

Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM vừa công bố một báo cáo cho thấy khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt tại Thành phố trong 4 tháng đầu năm giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Mức giảm là 5.5% đối với xe buýt không trợ giá, 10,2% đối với xe buýt trợ giá.

Báo cáo nhận định số lượt khách trên các tuyến xe buýt giảm do số lượng tuyến xe buýt có trợ giá đang hoạt động giảm 5 tuyến so với cùng kỳ năm ngoái. Một số tuyến xe cũ (61, 66, 78, 102) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, giảm mức độ quan tâm từ phía hành khách.

Bài học về dịch vụ từ sự ế ẩm của xe buýt trước sự bùng nổ của xe ôm công nghệ - Ảnh 1.

Một xe buýt ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: christinas.vn

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh xe ôm công nghệ tiếp tục là một nguyên nhân khiến xe buýt ngày càng ế ẩm. "Sự phát triển của dịch vụ Grab, Goviet, Be,... cũng cạnh tranh với xe buýt, hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này khi di chuyển cự ly ngắn do sự tiện lợi, cơ động và có giá thành gần ngang với chi phí đi xe buýt", báo cáo nêu rõ.

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM thừa nhận 5 nguyên nhân, bao gồm: một số buýt có xe cũ, xuống cấp; chi phí đầu vào tăng; một số đơn vị quản lý yếu kém; số tuyến xe giảm và sự phát triển của xe ôm công nghệ.

Năm ngoái, khi 5 tuyến xe buýt có trợ giá và 2 tuyến không trợ giá phải ngừng hoạt động động do thu không đủ chi vì quá vắng khách, người đại diện của Sở Giao thông - Vận tải TP HCM cũng phân tích xe ôm công nghệ là một trong những nguyên nhân.

Nhiều người dân khẳng định chi phí di chuyển bằng xe ôm công nghệ không rẻ hơn so với xe buýt, song thái độ phục vụ hơn hẳn.

"Xe ôm công nghệ mắc tiền hơn nhưng người ta tới nơi đúng giờ, thái độ lịch sự. Xe buýt rẻ hơn nhưng hay đi trễ, còn thái độ nhân viên không lịch sự", Nguyễn Tân, một người ở TP Hồ Chí Minh, bình luận.

Những người khác phàn nàn về hành vi cáu gắt của cả tài xế lẫn người soát vé trên xe buýt công cộng ở TP Hồ Chí Minh, thực trạng xe buýt phóng nhanh và đi ẩu và dễ gây tắc đường, khách phải chờ lâu, đi chậm do kích thước lớn.

"Do xe cũ quá. Và công ty quản lí cũng nên áp dụng hình thức thanh toán tự động để thuận tiện cho hành khách", một người có tên Đăng Việt, nhận xét.

Vì nhiều xe buýt cũ nên máy điều hòa và một số tiện ích khác không mang tới sự hài lòng cho hành khách.

"Xe chạy tuyến số 4 theo lộ trình Bến Thành - Bến xe An Sương có máy điều hòa nhưng hoạt động không hiệu quả. Hành khách bước lên xe cảm thấy nóng như lò than", một người có tên Huy Hoàng nói.

Vũ Ngọc, một tài xế xe ôm công nghệ ở TP Hồ Chí Minh, nói rằng xe ôm công nghệ thuận tiện hơn trong phần lớn tình huống di chuyển và tài xế có thái độ phục vụ tốt hơn nhân viên xe buýt.

"Giá rẻ hơn nhưng bất tiện và thái độ phục vụ không nhã nhặn thì người dân vẫn không quan tâm", anh Ngọc thổ lộ.

Mất nhiều thời gianchờ đợi là một lý do khác khiến nhiều người bỏ xe buýt để chuyển sang xe ôm công nghệ hoặc taxi.

"Thông thường tôi đi bộ tầm 10 phút để tới trạm chờ xe buýt, rồi chờ xe 10-15 phút. Như vậy, tổng thời gian hao phí là 20-25 phút. Trong khi đó, nếu gọi xe ôm hoặc taxi công nghệ, tôi chỉ phải chờ 2-5 phút", Cẩm Phương, một phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh, nói.

Một số người cho rằng mức chi phí xe ôm công nghệ chỉ cao hơn một chút, nhưng nhanh hơn rất nhiều so với xe buýt.

"Khi chênh lệch chi phí ở mức nhỏ, hành khách sẽ chọn phương tiện di chuyển nhanh hơn", Minh Thiện, một nhân viên văn phòng ở TP Hồ Chí Minh, bình luận.

Nhạc Dương