|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học từ ông trùm ngành ô tô Volkswagen hé lộ lý do vì sao VinFast phải vội vã làm xe điện

20:00 | 24/01/2021
Chia sẻ
Thất bại trong việc giảm lượng khí thái CO2, Volkswagen đang phải đối mặt với khoản tiền phạt hơn 100 triệu euro trong năm 2020.

Lợi nhuận của Volkswagen đã giảm gần một nửa trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch, song sự phục hồi về doanh số các dòng xe hạng sang ở Trung Quốc và lượng đơn đặt hàng nhiều hơn trong quý IV đã giúp nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng, theo CNBC.

Tập đoàn Volkswagen cho biết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, chưa bao gồm các chi phí liên quan đến vụ bê bối khí thải động cơ diesel trong năm 2020 là 10 tỷ euro, tức khoảng 12,2 tỷ USD so với 19,3 tỷ euro trong năm 2019.

Trước đó, các nhà phân tích dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Volkswagen có thể thấp hơn nhiều, ở mức 4,8 tỷ euro, theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon.

Trong một thông báo, hãng xe Đức cho biết lãi ròng từ mảng kinh doanh ô tô là khoảng 6 tỷ euro và việc giao xe đã tăng mạnh vào cuối năm 2020.

Các nhà phân tích tại Jefferies nhận định rằng "Đà tăng trưởng trở lại này là tích cực và sẽ tạo đà cho kết quả cả năm sắp tới trong toàn ngành."

Bài học từ ông trùm ngành ô tô Volkswagen hé lộ lý do vì sao VinFast phải vội vã làm xe điện - Ảnh 1.

Volkswagen rót 88 tỷ euro để nghiên cứu, phát triển xe điện. (Ảnh: Reuters)

Kết quả đánh dấu một năm 2020 đầy biến động đối với Volkswagen nói riêng và ngành công nghiệp ô tô toàn cầu nói chung. Đại dịch đã khiến doanh số ô tô sụt giảm, Volkswagen rơi vào thua lỗ trong quý II/2020 trước khi quay trở lại có lãi trong quý III do nhu cầu về ô tô hạng sang tại thị trường Trung Quốc tăng cao.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2020, cổ phiếu của Volkswagen đã đạt mức đỉnh cao nhất trong 11 tháng, tăng 2,7% lên 116,4 euro/cp trong phiên giao dịch đầu giờ chiều.

Cổ đông hàng đầu Porsche Automobil Holding SE - đơn vị nắm giữ 31,4% cổ phần của Volkswagen và 53,1% quyền biểu quyết của tập đoàn, cho biết họ có thể sẽ đạt lợi nhuận sau thuế khả quan cho năm 2020 nhờ hiệu quả hoạt động của Volkswagen.

Đơn vị sản xuất xe tải Traton SE của Volkswagen cũng công bố lợi nhuận từ kinh doanh sau điều chỉnh cả năm là 135 triệu euro, tốt hơn nhiều so với mức lỗ 625 triệu euro mà các nhà phân tích đã dự đoán trước đó. Traton cho biết "doanh số bán hàng đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV."

Doanh số bán hàng của Volkswagen đã tăng 1,7% trong tháng 12 trong khi cùng thời điểm đó lượng đăng ký ô tô mới ở châu Âu giảm gần 4%, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Tuy nhiên, Volkswagen và các đối thủ vẫn phải đối mặt với những thách thức do đại dịch, bao gồm sự thiếu hụt toàn cầu về chip cần thiết cho sản xuất và việc dừng hoạt động tại các thị trường khác nhau để đối phó với sự tái bùng phát. Điều đó có nghĩa là năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn tiếp theo đối với ngành công nghiệp ô tô.

Ngoài ra, ông lớn Volkswagen còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển ô tô điện và xe tự lái. Việc Fiat Chrysler và PSA, chủ sở hữu thương hiệu Peugeot bắt tay nhau để thành lập nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới càng làm tăng thêm áp lực cho hãng xe Đức.

Đáng chú ý, trong tuần qua, Volkswagen cũng thừa nhận rằng họ đã không hoàn thành các mục tiêu của EU về lượng khí thải CO2 từ những chiếc xe chạy xăng bán ra thị trường và do đó sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt hơn 100 triệu euro.

Theo quy định mới của EU, từ năm 2020, các doanh nghiệp ô tô phải giảm lượng phát thải khí CO2 xuống còn 95 g/km đối với 95% số ô tô được sản xuất, từ mức 120,5 g/km trước đó. 

Trong khi đó, các hãng ô tô cũng phải cắt giảm 37,5% lượng khí thải CO2 của các ô tô được sản xuất trong giai đoạn 2021-2030, ngoài mức giảm 40% lượng khí thải ô tô trong giai đoạn 2007-2021.

Quy định này đã tạo áp lực không nhỏ lên các nhà sản xuất ô tô trên thế giới. Riêng Volkswagen đã lên kế hoạch chi 88 tỷ euro để hướng tới trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới trong tương lai, đáp ứng các quy chuẩn khí thải ngày càng ngặt nghèo của các thị trường.

Tại Việt Nam, tuần qua VinFast - một thương hiệu xe nội địa gần 2 năm tuổi cũng chính thức ra mắt 3 dòng xe điện đầu tiên của mình. Với tham vọng xuất khẩu xe sang các thị trường như Mỹ, Australia, châu Âu,... thì rõ ràng việc bắt tay sản xuất xe điện ngay từ đầu là một bước đi đúng đắn của doanh nghiệp Việt.

Thiên Trường