|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài 2: Nút thắt từ cơ chế đầu tư

21:30 | 10/06/2023
Chia sẻ
Thủ tục đầu tư các dự án điện rất chậm, có dự án trình 1 - 3 năm chưa duyệt xong. Do vậy có thể thấy rõ 7 - 8 năm nay miền Bắc không khởi công một nhà máy điện mới nào lớn

Công nhân Công ty Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra tiếp xúc tại hòm công tơ cấp điện cho hộ dân tại khu vực phường Quỳnh Lôi. (Ảnh: TTXVN)

Thách thức thứ hai của ngành điện theo các chuyên gia năng lượng chính là không có nguồn chạy nền truyền thống từ thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí được đầu tư mới thường xuyên trong thời gian qua, kể cả nguồn điện gió ngoài khơi đang được kỳ vọng dù chưa biết năm nào mới có nên việc thiếu điện là khó tránh khỏi.

Thủ tục đầu tư các dự án điện rất chậm, có dự án trình 1 - 3 năm chưa duyệt xong. Do vậy có thể thấy rõ 7 - 8 năm nay miền Bắc không khởi công một nhà máy điện mới nào lớn. Ngay nhà máy điện BOT Nghi Sơn 2, Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành cũng đã xây dựng từ chục năm nay.

Nhớ lại thời điểm giai đoạn 2019 - 2021, nhà nhà lao vào làm điện gió, mặt trời mà ngành chức năng hay địa phương vẫn không đưa ra cảnh báo đầy đủ. Chưa kể lại có xu hướng chiều theo chủ đầu tư và địa phương khiến quy hoạch điện bị băm nát.

Hệ quả kéo theo là phải có đường dây truyền tải, giải toả mặt bằng theo. Các nhà đầu tư này muốn bán điện thì phải có Hợp đồng mua bán điện và hồ sơ pháp lý đầy đủ. Ai dám đảm bảo rằng nhà máy chưa đủ hồ sơ thủ tục kia không thể xẩy ra sự cố khi phát điện và ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện?

“Cũng phải thừa nhận rằng những năm trước đây, không có nguồn điện nào là không cần cơ chế riêng để triển khai thực hiện”, ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch EVN cho hay.

Ông Hưng đơn cử, đó là Quyết định 1195/QĐ-TTg năm 2005 Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn sau năm 2010.

Hay Quyết định 2414/QĐ-TTg năm 2013 Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2014 - 2020 và giai đoạn sau năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định để triển khai Dự án Thuỷ điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất 2.400 MW nhằm tạo ra Cơ chế quản lý và thực hiện.

Cùng với đó là việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Phái viên của Thủ tướng Chính phủ là người hiểu việc, được trao xử lý nhiều việc ngay tại thực địa. Nhờ vậy Thuỷ điện Sơn La đã về đích sớm 3 năm, đồng nghĩa với việc cung cấp cho nền kinh tế trước kế hoạch khoảng 30 tỷ kWh, tương đương giá trị hơn 1 tỷ USD, chưa kể tác dụng của dự án là cấp nước vào mùa khô cho hạ du.

Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 188/2011/QĐ-TTg cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu. Ban chỉ đạo Nhà nước công trình này cũng không quản ngại vất vả, khó khăn giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho Chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công.

Và lợi ích kinh tế thu được khi đưa nhà máy vào vận hành sớm 1 năm là tạo ra doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 2 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.

Nguyên Chủ tịch EVN cũng cho biết, hàng loạt các dự án thuỷ điện được khởi công xây dựng giai đoạn 2003-2004 và sau đó được đẩy nhanh cũng là nhờ có các Quyết định 797/CP-CN, ngày 17/6/ 2003 và 400/CP-CN ngày 26/3/2004.

Các quyết định này giống như cuộc cách mạng mới về thay đổi cơ chế quản lý đầu tư trong việc triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện. Những cơ chế quản lý linh hoạt được xuất phát từ nhu cầu thực tế về đảm bảo tiến độ, chất lượng, nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân và của các bộ, các cấp, các ngành và các địa phương đối với các dự án xây dựng nhà máy điện.

“Những người làm điện căn cứ vào các Tổng sơ đồ điện V, VI và VII được quyền tự quyết định đầu tư các dự án từ khâu thiết kế, duyệt dự toán, đấu thầu, xây dựng và đưa vào vận hành.

Chính nhờ các cơ chế đó đã làm thay đổi một cách mạnh mẽ tiến độ đầu tư, trước đây phải trình duyệt qua nhiều cơ quan, một dự án có khi mất 1 - 3 năm chưa xong bước phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Ngoài ra còn các bước phê duyệt tổng dự toán, đấu thầu, phê duyệt kết quả trúng thầu…, mỗi bước cũng phải mất từ 5 - 7 tháng”, ông Đào Văn Hưng chia sẻ.

Nhờ sức mạnh cơ chế nói trên, chỉ trong 12 năm (từ 2003 - 2015) riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng được 28 nhà máy thủy điện và hơn 10 nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm điện lực qui mô lớn ở Vĩnh Tân, Phú Mỹ, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hải Phòng, bao gồm cả Nhà máy thủy điện Sơn La.

 

Ngay các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư ồ ạt thời gian qua cũng bởi có các cơ chế riêng với mức giá hấp dẫn, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân được Nhà nước quy định.

Từ năm 2011 đến 2018, tức là 7 năm liền, ngành điện không thiếu điện để cung cấp cho phát triển kinh tế, nhưng đến năm 2018, ngành điện đã không còn dự phòng. Hậu quả của việc thiếu điện ai cũng biết, nhưng không dễ quy trách nhiệm.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh cho biết, để xây dựng một dự án điện không hề đơn giản, có lẽ nhanh nhất trong triển khai đầu tư là dự án điện mặt trời, chỉ dưới 1 năm, nhưng dư địa cho các dự án điện mặt trời tập trung đã không còn nhiều do các rào cản liên quan đến vấn đề đất đai.

Trong Quy hoạch điện VIII Chính phủ vừa phê duyệt đã có sự điều chỉnh cho vấn đề này. Thay vì thúc đẩy xây dựng quá nhiều dự án điện tập trung thì đã ưu tiên phát triển điện mặt trời phân tán tại mái nhà cho nhu cầu tiêu dùng góp phần giảm tải các dự án điện cần thực hiện trong 2 - 3 năm tới.

Việc thoả thuận hoà lưới điện, mua bán điện phải đảm bảo các yếu tố kĩ thuật và hiệu quả kinh tế. Trong tương lai nếu tăng tỷ trọng sản lượng điện tái tạo thì sẽ có cả nghìn bài toán đầu tư đấu nối, truyền tải và ổn định lưới điện cần phải giải quyết.

Hơn 60% công suất đặt, hơn 50% sản lượng điện là nguồn ngoài EVN. Một chuyên gia năng lượng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước (EVN) đầu tư mạng lưới truyền tải và mạng lưới phân phối bán điện đến cả vùng sâu, vùng cao và bán lỗ để đảm bảo dân sinh và tính cạnh tranh của hàng hoá sản xuất thì chính Nhà nước đang nhận phần thiệt về mình.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, dư luận từng “xót xa” cho một số doanh nghiệp điện gió và mặt trời (trong số hàng trăm đơn vị) không bán được điện cho EVN. Nhưng chẳng có mấy ai tìm hiểu vấn đề kĩ thuật và cơ chế đầu tư, mua bán của doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư một lượng tiền để có thể đấu nối hoà lưới điện từ các nguồn điện lẻ mà không tính ra hiệu quả thì ai dám làm khi cái thòng lọng “thất thoát vốn nhà nước” luôn treo lơ lửng?

Nói tóm lại, khi mà không có các nhà máy điện lớn được xây dựng, nhất là ở miền Bắc nhiều năm qua hay câu chuyện tiết kiệm điện vẫn chưa thực hiện hiệu quả thì cái giá mà chúng ta đang nếm trải trong năm 2023 này chính là việc thiếu điện.

Bài cuối: Chính sách giá điện tính đúng, tính đủ

Mai Phương