Ba quả tạ đè nặng ngành nông nghiệp những tháng cuối năm 2022
Tại họp báo thường kỳ, Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 81% chỉ tiêu Chính phủ giao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng lạm phát toàn cầu gia tăng cùng với những biến động về địa chính trị, sự mất giá của các đồng tiền sẽ tác động đến cả các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, năm nay là một năm rất nóng đối với ngành chăn nuôi, nhất là liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 6,6 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu các nguyên liệu chính như ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi khoảng 3 tỷ USD.
Riêng với mặt hàng ngô, 8 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,8 triệu tấn, tương đương gần 2,1 tỷ USD, giảm 16% về lượng nhưng tăng 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân giá ngô nhập khẩu ở mức 355 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021 do căng thẳng Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng ngũ cốc bị xáo trộn.
“Đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao, việc giảm giá là điều rất khó”, ông Chinh nói.
Còn đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết lạm phát toàn cầu và xung đột Nga – Ukraine làm tăng chi phí đầu vào (xăng dầu và thức ăn thủy sản) của cả ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng lạm phát, biến động tỷ giá đang tác động giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường, nên xuất khẩu sang các thị chính đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 9.
Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 triệu USD. Dù vẫn cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản trong quý IV sẽ khó tăng trưởng cao như đầu năm, song chắc chắn hết tháng 11, thuỷ sản Việt Nam đã có thể chạm mốc 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành cũng như mục tiêu của Bộ NN&PTNT đặt ra.
Để đảm bảo sản xuất và xuất khẩu thủy hải sản trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo ngành nuôi trồng tổ chức lại sản xuất, tận dụng nguyên liệu thức ăn thủy sản trong nước để giảm giá thành.
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân để đảm bảo phát triển bền vững, mở rộng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới trong lúc thị trường truyền thống biến động, giảm mua.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá ở nền kinh tế mở, những biến động của thị trường thế giới sẽ tác động đến các lĩnh vực của ngành trồng trọt, đặc biệt là giá vật tư đầu vào, phân bón…
Riêng ngành lúa gạo, Cục trồng trọt khẳng định Việt Nam chủ động về giống, đảm bảo các chỉ tiêu về sản xuất, xuất khẩu và ít chịu tác động của về biến động về tỷ giá.
Để giải quyết khó khăn về giá vật tư, phân bón, Cục Trồng trọt đã có hướng dẫn về một số quy trình canh tác có thể giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Cường, việc thay đổi nhận thức và hành động của nông dân là cả một quá trình, không thể ngày một ngày hai.
Liên quan đến giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thừa nhận xung đột chính trị và lạm phát đã khiến giá các mặt hàng này tăng mạnh.
Cục Bảo vệ Thực vật đã đánh giá tình hình sản xuất, cung ứng phân bón của các doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính kiểm soát xuất khẩu nếu cần.
Đối với những loại phân bón trong nước không sản xuất được như MAP, DAP, Cục đã làm việc với Bộ Công Thương về việc xóa bỏ thuế tự vệ, đảm bảo nguồn cung cho các vụ mùa.
Sau khi nghe ý kiến của các Cục, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu nông lâm thủy sản những tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn do căng thẳng địa chính trị khiến tiêu thụ ở các thị trường giảm, tồn kho cao, đơn hàng của một số ngành hàng điển hình như gỗ đã rất sâu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lạc quan rằng sụt giảm đơn hàng mảng này sẽ được bù đắp ở các mảng khác, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 sẽ vẫn đạt mục tiêu đề ra. Bộ NN&PTPT dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, vượt kế hoạch 5 tỷ USD.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ phân tích, dự báo thị trường, chuẩn bị kịch bản thích ứng với diễn biến cung – cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với mặt hàng lương thực thực phẩm.
Đồng thời, Bộ sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu, hoàn thiện quy chuẩn quốc tế lĩnh vực an ninh lương thực.