|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 có thể vượt kế hoạch 5 tỷ USD

16:39 | 03/10/2022
Chia sẻ
Theo Bộ NN&PNT, 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 81% chỉ tiêu Chính phủ giao. Bộ NN&PTPT dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, vượt kế hoạch 5 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Họp báo Bộ NN&PTNT. (Ảnh: Hoàng Anh)

Trong đó, giá trị xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15%; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 6%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ NN&PTPT dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao khoảng 5 tỷ USD.

 (Số liệu: Bộ NN&PTNT, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính trên 13,3 tỷ USD, tăng 11%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18%.

Hiện, ngành nông nghiệp có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Mặt hàng

Kim ngạch

+/- so với cùng kỳ năm 2021

Gỗ

12,4 tỷ USD

+ 11%

Tôm

3,5 tỷ USD

+ 25%

Cà phê

3,1 tỷ USD

+ 38%

Gạo

2,6 tỷ USD

+ 9%

Rau quả

2,4 tỷ USD

- 11%

Cao su

2,3 tỷ USD

+ 8%

Hạt điều

2,2 tỷ USD

-14%

Cá tra

1,9 tỷ USD

+ 83%

Sắn và sản phẩm từ sắn

1 tỷ USD

+ 21%

Phân bón các loại

900 triệu USD

+ 170%

Hồ tiêu

774 triệu USD

+ 83%

Thức ăn gia súc và nguyên liệu

861 triệu USD

+ 10%

Bộ NN&PTNT cho biết thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đầu năm được phân bố ở các châu lục như sau: 

(Số liệu: Bộ NN&PTNT, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2% thị phần.

Đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Gần nhất có hai Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Hoàng Anh