Các hình phạt bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể đối mặt nếu không giao con dấu của Trung Nguyên
Sáng ngày 06/6/2019, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh tới căn biệt thự của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để tổ chức thi hành bản án phúc thẩm ngày 12/11/2018 của TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mà ông Vũ là nguyên đơn. Theo phán quyết của tòa, bà Thảo phải trao trả con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên).
Trước đó, vào ngày 16/1 và ngày 20/2, Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thi hành án và quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; đồng thời đã tống đạt theo quy định pháp luật.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo dự phiên xử vụ li hôn của bà với ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở TP Hồ Chí Minh hôm 27/3. Ảnh: Như Huỳnh
Ngày 27/5, Cục Thi hành án gửi thông báo yêu cầu bà Thảo phải có mặt lúc 9h ngày 6/6 tại căn nhà trên đường Tú Xương, Quận 3, TP Hồ Chí Minh để thi hành quyết định trao trả con dấu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế cho Trung Nguyên nhưng bà Thảo không gặp.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết, điều 19 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: "Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành."
"Do đó, bà Thảo phải có nghĩa vụ phải tôn trọng và chấp hành các phán quyết tại các bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án", luật sư Hùng khẳng định.
Nếu bà Thảo không tự nguyện chấp hành các phán quyết của Tòa án về việc giao con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghiệp, đăng ký thuế cho Trung Nguyên, theo yêu cầu của người được thi hành án (Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên), Cơ quan thi hành án dân sự sẽ có trách nhiệm cho thi hành án theo quy định của Luật thi hành án Dân sự.
Ông Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh rằng, nếu bà Thảo không chấp hành các thông báo và quyết định của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan này có thể ra quyết định xử phạt đối với bà Thảo về các hành vi vi phạm như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nếu bà Thảo đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, với hành vi "không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định", bà Thảo cũng có thể bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Luật TGS thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Công ty TNHH Luật TGS
Sau đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu bà Thảo vẫn cố tình không chấp hành bản án (mặc dù có điều kiện thi hành), nữ doanh nhân có thể sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về "Tội không chấp hành án" theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm.
Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế của Trung Nguyên đã thất lạc, bà Thảo không còn lưu giữ thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế mới cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên theo quy đinh tại Điều 116 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Nếu con dấu của Trung Nguyên cũng mất thì Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên cũng có quyền làm thủ tục xin cấp lại con dấu theo quy định của pháp luật.