VKS Tối cao đề nghị huỷ án vì không phù hợp: Bà Thảo đã được chia bao nhiêu tài sản sau ly hôn?
Ngày 13/1, Viện trưởng Viện Nhân dân (VKSND) Tối cao đã có Kiến nghị về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồng thời kiến nghị đề nghị hủy các bản án, quyết định vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.
Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là doanh nhân, có yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền, để ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm "quyền được kinh doanh" của bà Thảo.
Việc buộc bà Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường còn "không phù hợp" quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình.
Kiến nghị cũng nêu rõ: Trong mâu thuẫn ly hôn, tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong "thực hiện nghĩa vụ của người chồng" theo Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia, thay vì chỉ nhận 40% còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay.
Bà Thảo đã được chia bao nhiêu tài sản trong vụ ly hôn?
Ngày 5/12/2019, sau loạt phiên toà, TAND Cấp cao tại TP HCM đã công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo và giao bà Thảo nuôi các con chung; chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học.
Đến ngày 7/5/2021, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chia tổng tài sản giữa bà Thảo và ông Vũ trị giá hơn 7.900 tỷ đồng. Trong đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia tổng số tài sản trị giá hơn 3.245 tỷ đồng; ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỷ đồng, tương đương 59% tổng tài sản được chia.
Về bất động sản, Hội đồng thẩm phám TAND tối cao tuyên giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo 7 bất động sản, tổng trị giá gần 376 tỷ đồng; giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ 6 bất động sản, tổng trị giá được chia là hơn 350 tỷ đồng. Bà Thảo cũng được sở hữu toàn bộ tiền đứng tên bà gửi tại các ngân hàng, với số tiền hơn 1.551 tỷ đồng.
Ông Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên hai vợ chồng tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền trị giá khoảng 5.655 tỷ đồng. Từ đó, ông Vũ có trách nhiệm phải thanh toán phần tài sản chênh lệch so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỷ đồng. Do đó, ông Vũ tiếp quản toàn bộ Tập đoàn Trung Nguyên kể từ ngày toà tuyên án.
Tuy nhiên, sáng 14/1, trên Facebook cá nhân, bà Thảo cho biết bản thân chưa được nhận bất kỳ khoản thanh toán theo quyết định thi hành án nào theo bản án ly hôn này. Đồng thời tố cáo "Nhóm thao túng Trung Nguyên dùng rất nhiều tiền và công sức để đưa tin sai lệch, hòng cướp hết sản nghiệp của gia đình tôi".
Về kiến nghị huỷ án, trả lời Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc công ty luật Myway, cho hay thời điểm hiện tại mới chỉ có "Đề nghị xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao" của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao theo thủ tục đặc biệt quy định tại Chương XXII Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo đó, khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xét thấy có căn cứ cho rằng Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới quan trọng có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền đề nghị hủy quyết định này, từ đó Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cáo xem xét lại quyết định này.
Nói như vậy, việc hủy các bản án, quyết định Giám đốc thẩm hay không sẽ được quyết định tại phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tại phiên họp này thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền tham dự và trình bày ý kiến.