|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apple bắt đầu cảm nhận hơi nóng từ việc đặt cược vào Trung Quốc

11:12 | 09/06/2022
Chia sẻ
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây ở Trung Quốc đã khiến gã khổng lồ Apple bắt đầu cảm thấy những rủi ro đã cận kề.

Vừa qua, gã khổng lồ Apple đã tổ chức hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển (WWDC 2022). Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ cả khách hàng lẫn các chuyên gia trong ngành, đặc biệt với sự ra mắt của hệ điều hành iOS 16. Dù vậy, sau những mảng màu tích cực mà Apple nhận được vài ngày qua, còn đó những nỗi lo mà “Táo khuyết” đang phải cân nhắc, đặc biệt là những vấn đề ở Trung Quốc.

Apple gặp khó tại Trung Quốc vì các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt

Theo miêu tả của Bloomberg, Apple đã tổ chức hội nghị thường niên hoành tráng và phô trương, nhưng “bộ phim truyền hình” lớn nhất của công ty lại không được công chiếu tại Mỹ, mà được phát ở nửa bên kia bán cầu, tức Trung Quốc.

Tại Thượng Hải và các thành phố lân cận, Apple đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và vô số vấn đề khác do những chính sách phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt mà chính phủ Trung Quốc đề ra. Thị trường Trung Quốc, một trung tâm tăng trưởng khổng lồ của Apple, bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.

Cho đến trước tháng này, doanh số bán hàng tăng vọt tại thị trường tỷ dân là một trong những thành tựu to lớn nhất mà CEO Tim Cook đã đạt được kể từ khi kế nhiệm cố CEO Apple Steve Jobs. Vì vậy, “Táo khuyết” đã biến Trung Quốc thành một cơ sở sản xuất khổng lồ để giúp công ty cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, giờ đây, việc đặt cược của Tim Cook vào Trung Quốc ngày càng rủi ro.

Việc đặt cược của CEO Tim Cook vào Trung Quốc bắt đầu cảm thấy rủi ro. (Ảnh: BI).

Những khó khăn của Apple ở Trung Quốc đã được nhận thấy rõ vào tháng trước, khi các cuộc xung đột bạo lực nổ ra tại một nhà máy cung cấp ở Thượng Hải. Các công nhân ở đó đã tạo ra một cuộc bạo động sau khi trải qua thời gian dài bị cô lập tại nhà máy, khi họ không được phép rời đi, như một phần quan trọng trong những nỗ lực nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Trong cuộc họp với các nhà đầu để công bố kết quả kinh doanh, Apple đã đưa ra cảnh báo rằng sự gián đoạn do tình trạng thiếu chip đang diễn ra và các hạn chế về chính sách phòng chống dịch khắt khe ở Trung Quốc có thể khiến gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ mất tới 8 tỷ USD doanh thu trong quý II.

Cây viết Mark Gurman của trang Bloomberg nhấn mạnh rằng chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các lô hàng MacBook của Apple. Người tiêu dùng tại Mỹ hiện cần phải đợi tới hai tháng nếu họ đặt mua mẫu MacBook Pro 14 hoặc 16 inch. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các máy tính MacBook Air cập nhật được công bố vào ngày 6/6 vừa qua sẽ không được bán cho đến tận tháng Bảy.

Apple đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư, CEO Tim Cook đã nhận định rằng chuỗi cung ứng của Apple “thực sự mang tính toán cầu”.

Thực tế, “Táo khuyết” hiện sản xuất một số mẫu iPhone ở Ấn Độ và Brazil, và có kế hoạch chuyển sản xuất một phần dòng sản phẩm iPad và MacBook sang Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô của những địa điểm này bị thu hẹp bởi đế chế sản xuất khổng lồ mà Trung Quốc sở hữu.

Các lô hàng smartphone có thể sụt giảm vì chuỗi cung ứng đứt gãy tại Trung Quốc

Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa hóa cũng không phải là nhiệm vụ có thể hoàn thành “một sớm một chiều”. Foxconn, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, đã mất hơn ba thập kỷ để đạt được quy mô như hiện tại, với sự hỗ trợ của một mạng lưới toàn diện các nhà sản xuất linh kiện cũng mở rộng theo thời gian.

Không quốc gia nào khác có thể tập hợp các thành phần cần thiết để tái tạo địa điểm lắp ráp iPhone của Foxconn như ở miền trung Trung Quốc, nơi có khả năng chứa cùng lúc vài trăm nghìn công nhân trong mùa cao điểm.

Đồng thời, Trung Quốc đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu kinh tế chính thức cho năm nay. Các thành phố của quốc gia này vẫn đang quay cuồng với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nền kinh tế đang hạ nhiệt của đất nước này dự kiến ​​sẽ làm sụt giảm các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu trong năm nay.

Tháng trước, Apple thừa nhận các đợt phong tỏa tại Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), nơi đặt các nhà máy cung ứng linh kiện cho điện thoại iPhone, có thể gây nhiều trở ngại về cung và cầu trong quý II năm nay.

Những khó khăn về cung và cầu cũng xảy ra khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho chi tiêu tiêu dùng về các thiết bị và dịch vụ công nghệ sụt giảm trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá năng lượng, lương thực và nhiều mặt hàng chủ lực khác tăng cao.

Trong khi đó, tờ Nikkei ngày 25/5 đưa tin Apple đã đốc thúc các nhà sản xuất thiết bị tăng tốc hoạt động sau khi các biện pháp phòng chống COVID-19 ở Trung Quốc gây trở ngại kế hoạch ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới vào tháng 9/2022.

Về mặt tích cực đối với Apple, công ty đang hoạt động tốt hơn một chút so với các đối thủ khác trên thị trường smartphone, giữ cho mục tiêu sản xuất iPhone vào năm 2022 không có thay đổi quá nhiều so với năm ngoái.

 

Khi ngày càng có nhiều công ty như Apple tìm cách đa dạng hóa sản xuất của họ và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, có thể quốc gia này cuối cùng sẽ đánh mất ngôi vị là nhà cung cấp hàng đầu thế giới và là thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu nữa để chuyện này có thể xảy ra.

Quốc Anh