Apple với tham vọng trở thành công ty fintech
Tại Hội nghị thường niên cho lập trình viên (WWDC) 2022 của Apple diễn ra mới đây, nhà sản xuất iPhone đã cho ra mắt bản cập nhật hệ điều hành iOs 16 cũng như vi xử lý chip M2 kèm sản phẩm Macbook Air 2022. Tuy nhiên, lần này Apple gây chú ý khi công bố nhiều tính năng mới cho ứng dụng Wallet, một nước đi được đánh giá là tham vọng của Apple trong việc mở rộng mô hình kinh doanh.
Đài CNBC nhận định Apple đang dần biến mình trở thành một công ty fintech. Theo một báo cáo trên Vantage Market Research, thị trường Fintech toàn cầu được ước tính trị giá khoảng 112,5 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 332,5 tỷ USD vào năm 2028.
Công cụ giữ chân người dùng
Tính năng mới của Wallet được ra mắt nhằm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm từ các công ty fintech khác như Affirm và PayPal. Một trong những dịch vụ đáng chú ý gồm: Buy now, pay later ( PNBL: mua trước trả sau) được gọi là Apple Pay Later.
Ngay sau động thái trên của Apple, giá cổ phiếu của Affirm giảm hơn 5% vào hôm 6/6 và giảm thêm 4% vào sáng thứ 7/6.
Đồng thời, Apple cũng sẽ ra mắt một hệ thống thanh toán mới vào cuối tháng này cho phép người thanh toán với bất kỳ ai chỉ bằng một cú chạm của thiết bị iPhone. CNBC đánh giá đây là tính năng cạnh tranh trực tiếp với nền tảng Block của Square, hiện do cựu CEO Twitter Jack Dorsey điều hành.
Ứng dụng Wallet trong iOS 16 sẽ cho phép người dùng theo dõi các đơn đặt hàng trực tuyến mà họ mua thông qua Apple Pay.
Theo CNBC, tất cả những tính năng vừa kể trên đang làm lộ ra một góc "rất thú vị" của hệ sinh thái Apple, đó là một bộ sản phẩm tài chính đang phát triển trong ứng dụng Wallet. Nhiều tính năng trong số này không được thiết kế để trực tiếp kiếm tiền cho Apple, nhưng chúng khiến Apple Pay trở nên hấp dẫn hơn đối với những người chưa dùng thử.
Bởi lẽ, Apple chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong mỗi giao dịch Apple Pay, vì vậy càng nhiều người sử dụng nó, điều đó càng tốt cho Apple.
Giống như hầu hết các tính năng mới chính của iOS, đây cũng là một cơ chế mới để giữ khách hàng "dính chặt" vào hệ sinh thái của Apple và nâng cấp lên phiên bản tiếp theo của iPhone khi chúng đã sẵn sàng.
Tuy nhiên, các tính năng Wallet mới của Apple được ra mắt vào thời điểm nền kinh tế gặp nhiều biến động, lạm phát thiếu ổn định cũng như giá xăng tiếp tục tăng cao kỷ lục. Nỗi lo của một cuộc suy thoái đang hiện hữu. Do đó, CNBC đánh giá đây là giai đoạn khó khăn để Apple tung ra một sản phẩm mới được thiết kế để thu hút mọi người mua nhiều thứ hơn nếu những xu hướng đó vẫn tồn tại trong suốt cả năm.
Các đối thủ mới của Apple trong lĩnh vực PNBL đã gặp khó khăn trong những tháng gần đây khi chi tiêu của người tiêu dùng chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Các công ty fintech và tiền điện tử khác như Robinhood, PayPal và Coinbase cũng gặp khó khăn trong năm nay.
Apple có tầm nhìn dài hạn hơn cho Wallet
Khi công ty tiết lộ các tính năng mới nhất vào hôm 6/6, các giám đốc điều hành cho biết mục tiêu cuối cùng là ứng dụng Wallet kỹ thuật số có thể thay thế mọi thứ trong ví vật lý của người dùng.
Tuy nhiên, mọi thứ đang diễn ra chậm chạp ở một số khu vực, chẳng hạn như tính năng của năm ngoái cho phép người dùng thêm giấy phép lái xe của họ, giấy phép này chỉ khả dụng ở một vài tiểu bang của Mỹ và sẽ sớm có thêm một số tiểu bang nữa.
Các nhà sản xuất ô tô cũng đã chậm chạp trong việc áp dụng tính năng iOS cho phép người dùng lưu trữ phiên bản kỹ thuật số của chìa khóa ô tô trên điện thoại.
Tuy nhiên, trả lời CNBC, nhà sản xuất iPhone không có quá nhiều mối lo ngại về vấn triển khai chậm chạp đó.
Tham vọng của Apple là mong muốn nhu cầu của người tiêu dùng thúc đẩy các bên thứ ba áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, về phía fintech, Apple đang xây dựng nền tảng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thanh toán của mình bằng cách đưa nhiều chức năng hơn vào ứng dụng Apple Pay và Wallet, thay việc chỉ sử dụng iPhone thay vì thẻ tín dụng để thanh toán mọi thứ.
Và với quy mô hơn một tỷ thiết bị Apple đang được sử dụng, sẽ có rất nhiều người sắp được tiếp xúc với những sản phẩm này.