Áp lực nuôi cá tra khi giá xuống thấp
Hiện một số doanh nghiệp chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đã tạm ngừng hoạt động do chưa đảm bảo quy định 3 tại chỗ. Doanh nghiệp nào đang hoạt động chỉ duy trì một phần công suất nên sản lượng thu mua nguyên liệu cũng giảm.
Bên cạnh đó, việc thiếu nhân công thu hoạch, vận chuyển thuỷ sản tiêu thụ ở các thị trường truyền thống như: Campuchia, TP HCM và các tỉnh Miền Đồng bị hạn chế do quy định giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất cá tra xuất khẩu.
Vậy nên, người nuôi cá tra phải kéo dài thời gian chờ tiêu thụ, từ đó làm giảm sản lượng.
Trong trường hợp người nuôi cá tra tiếp tục kéo dài chu kỳ sản xuất thì phải chịu thêm chi phí phát sinh như: thức ăn tăng, chi phí nhân công tăng, rủi ro cá quá cỡ khó tiêu thụ… Tính bình quân thời gian kéo giãn thu hoạch từ 1-2 tháng sẽ làm chi phí sản xuất tăng thêm từ 7-10%.
Ông Nguyễn Đắc Thắng ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên doanh nghiệp, thương lái hạn chế đến thu mua cá.
Do chưa có kênh tiêu thụ nên ông phải tiếp tục nuôi cầm chừng tránh cá bị sụt cân, mất sản lượng.
Khi ông liên hệ với các mối lái, doanh nghiệp thu mua trước đây, đa số họ trả lời là thiếu nhân công thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ bị hạn chế. Các hộ nuôi cá tra mong muốn được hỗ trợ từ các ngành, các cấp để tiêu thụ được hết số cá hiện còn trong ao.
Thống kê trong tháng 9, huyện Lai Vung có hơn 2.800 tấn cá tra đến kỳ thu hoạch cần được tiêu thụ.
Theo ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, trước những khó khăn của các hộ, người dân nuôi cá, ngành nông nghiệp huyện phối hợp cùng với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp đang hoạt động "4 tại chỗ" là Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Cỏ May nhằm tìm đầu ra cho mặt hàng cá tra của địa phương.
Về phía tỉnh Đồng Tháp, để tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch COVID-19, tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn cơ sở sản xuất khai báo thông tin và xây dựng phương án thu hoạch nhằm hỗ trợ lực lượng công đoàn được di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác để duy trì việc thu hoạch, vận chuyển cá giống, cá thương phẩm, không để sản xuất bị gián đoạn mà vẫn tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Song song đó, tỉnh yêu cầu các địa phương cập nhật thông tin đến kỳ thu hoạch và hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ.
Theo đó, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm cá qua kênh phân phối truyền thống cũng như cử đầu mối để kết nối tiêu thụ thông qua sàn giao dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sàn thương mại điện tử khác.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Sở Công Thương, Sở Y tế hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện "4 tại chỗ" trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp tục thu mua lượng cá tra đã ký kết tiêu thụ trước đó, hạn chế lượng cá tra tồn đọng.