|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gần 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rời bỏ thị trường Trung Quốc

12:17 | 26/08/2021
Chia sẻ
Tính đến hết tháng 7, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt hơn 238 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có gần 45 doanh nghiệp rời bỏ thị trường này trong bối cảnh ngày càng nhiều quy định siết chặt hoạt động nhập khẩu thủy sản đông lạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), hiện có hơn 100 DN chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam tham gia vào thị trường Trung Quốc, trong đó lớn nhất là 3 doanh nghiệp: IDI CORP; CADOVIMEX II và NAVICO.

Như vậy, so với năm 2020, gần 45 doanh nghiệp chế biến cá tra rời bỏ thị trường Trung Quốc.

Đại diện CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cho biết 6 tháng cuối năm 2020, thị trường Trung Quốc từng mang đến cho ANV nhiều hợp đồng lớn, chiếm gần 40% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán tại thị trường này không tăng kịp với chi phí đầu vào nên ANV đã chủ động giảm tỷ lệ xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc để tập trung vào các thị trường còn giữ được biên lợi nhuận tốt. 

Trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của ANV" đại diện Nam Việt cho biết.

Tính đến hết tháng 7, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt hơn 238 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đây là thị trường duy nhất ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm trong 7 tháng đầu năm nay.

Trong hơn nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do những chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản vào nước này.

Cuối tháng 5/2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm bao gổm Việt Nam từ 20/6 đến 15/7 bởi lý do nhiều thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang, Maoming… có dấu hiệu nhiễm và lây lan COVID-19.

Do vậy, kể từ quý II/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, vốn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, giảm liên tiếp từ 0,8 – 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Với tình hình như hiện nay, Trung Quốc sẽ nâng hàng rào thương mại trong thời gian tới là điều chắc chắn. Thậm chí việc kiểm soát Covid-19 thông qua các cửa khẩu, cảng nhập khẩu sẽ được siết chặt hơn. Xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này nhiều khả năng sẽ giảm tiếp trong quý II/2021", VASEP nhận định.

Nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tại ĐBSCL tốt hơn, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, xuất khẩu ổn định thì mức giảm sút xuất khẩu này dưới 10%. Tuy nhiên, ảnh hưởng kéo theo đó là giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong quý tới sẽ nhiều biến động.

Nửa đầu năm nay, mặc dù nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc từ Việt Nam vẫn lớn nhưng Chính phủ nước này vẫn có đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm bớt nguồn thủy sản nhập khẩu (không riêng gì nhập khẩu cá tra từ Việt Nam).

Theo thống kê cập nhật của ITC, 3 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng của Trung Quốc cũng giảm tới 68% so với cùng kỳ năm trước. 

Ngoài các sản phẩm thủy sản nhập khẩu khác như cá hồi của Nauy, Chile hay cá minh thái của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục lo lắng về việc nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nguồn hàng thủy sản nhập khẩu. 

Do đó, nước này tăng tiêu dùng thủy sản nội địa kéo theo giá nhiều loại sản phẩm cá nuôi nước ngọt như: cá chép, cá trắm đen, trắm trắng, cá mè cũng tăng 34%, thậm chí tới 50-100%.

H.Mĩ