|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ảo tưởng của các ứng dụng gọi xe như Uber, Lyft đang tan vỡ

07:53 | 22/08/2020
Chia sẻ
Khả năng rao bán ảo tưởng giúp Uber, Lyft và các công ty thuộc nền kinh tế tạm bợ khác huy động khoản vốn đầu tư lên tới hàng chục tỉ USD trong một thập niên qua, song giờ đây tử huyệt của họ đang lộ rõ.

Yếu tố ảo tưởng, mơ mộng đang thống trị tầm nhìn của một số dịch vụ gọi xe, và dường như các nhà đầu tư chẳng hề nhớ rằng yếu tố quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp trong nền kinh tế tạm bợ hoạt động là đối tác. Nhờ nỗ lực của họ, ứng dụng gọi xe mới có thể mở rộng thị trường, song họ hưởng thành quả bèo bọt nhất.

Ngược lại, sau khi Uber và Lyft phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, các nhà sáng lập doanh nghiệp và nhà đầu tư ban đầu trở thành tỉ phú chỉ sau một đêm. Sau đó, nhiều nhà đầu tư mất tiền khi giá cổ phiếu của hai công ty lao dốc. Trong khi đó, các tài xế chỉ kiếm gần 10 USD/giờ, và đa số họ sống trong cảnh khó khăn. 

Nhân viên của doanh nghiệp hưởng lương tối thiểu, thù lao ngoài giờ, bảo hiểm y tế, ngày nghỉ bệnh có lương. Tài xế Uber, Lyft và các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tương tự không hề có những quyền lợi cơ bản đó.

Ảo tưởng của các ứng dụng gọi xe như Uber, Lyft đang tan vỡ - Ảnh 1.

Trong một cuộc biểu tình phản đối Uber ở Mỹ, người dân mang theo một biểu ngữ với nội dung: Tổng giám đốc Uber huonwgr lương 43 triệu USD mỗi năm, còn tài xé chỉ hưởng mức thu nhập 9 USD mỗi giờ. Ảnh: Quatz

Vài ngày trước, Tòa thượng thẩm California ra phán quyết buộc Uber và Lyft phải công nhận các tài xế là "nhân viên chính thức" thay cho "đối tác độc lập". Phán quyết đồng nghĩa với việc Uber và Lyft phải đảm bảo các phúc lợi cho tài xế. Nó sẽ có hiệu lực từ ngày 20/8. Uber và Lyft tuyên bố họ có thể ngừng hoạt động tại California.

Ngay trước khi tòa án ra phán quyết, ông Dara Khosrowshahi, Tổng giám đốc Uber, viết bài xã luận trên báo New York Times, khẳng định rằng "người lao động trong nền kinh tế tạm bợ xứng đáng hưởng nhiều lợi ích hơn". Vậy mà, thay vì làm theo tuyên bố đó, Khosrowshahi sẵn sàng rời khỏi California.

Ban lãnh đạo Uber, Lyft và những người ủng hộ họ vẫn bấu víu vào ảo tưởng cuối cùng. Quan điểm của họ là mô hình gọi xe công nghệ rất linh hoạt và mang tính cách mạng, do đó cần cơ hội tồn tại bên ngoài phạm vi của luật lao động cơ bản. 

Họ khẳng định các qui định cũ không phù hợp và chính phủ cần mở quĩ hỗ trợ lao động tạm bợ vì các startup như Uber và Lyft tạo ra quá nhiều công ăn việc làm.

Song nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định mô hình kinh doanh của Uber hay Lyft không mới. Về bản chất, Uber và Lyft chỉ là các công ty cung cấp dịch vụ taxi, tự "lăng xê" bản thân bằng một ứng dụng có giao diện dễ hiểu, dựa trên công nghệ định vị toàn cầu đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, rồi trưng ra yếu tố công nghệ để đòi hưởng đặc quyền trước luật lao động.

Khả năng rao bán ảo tưởng giúp Uber, Lyft và các công ty "kinh tế tạm bợ" tương tự huy động khoản vốn đầu tư lên tới hàng chục tỉ USD trong một thập niên qua. Nhưng mọi ảo tưởng đang dần vỡ vụn. Rất thành thật, Lyft nhận định họ sẽ không đủ kinh phí hoạt động nếu phải tuân thủ qui định của bang California.

Nhiều nhà phân tích nhận định công chúng nên cảm thấy mừng khi sự thật về Uber, Lyft và các startup "kinh tế tạm bợ" bắt đầu lộ ra ánh sáng. Bởi nếu mô hình như Uber, Lyft trở thành tiêu chuẩn kinh doanh phổ thông, xã hội sẽ đối mặt với một tương lai vô cùng ảm đạm. 

Trong tương lai ấy, hàng trăm triệu lao động phải làm việc cật lực để nhận mức lương rẻ mạt và sống đời bấp bênh, còn những người sở hữu ứng dụng sẽ phất lên như diều gặp gió.

Uber, Lyft và hãng giao đồ ăn DoorDash đang cố cứu vãn tình thế bằng cách chi 100 triệu USD để vận động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại California vào tháng 11 tới về qui định công nhận tài xế là nhân viên chính thức. 

"Thành công chỉ đến với các doanh nghiệp thuộc nền kinh tế tạm bợ nếu chúng ta tiếp tục tin những ảo tưởng mà họ rêu rao một cách mù quáng", Brian Merchant, một nhà phân tích ở Mỹ, bình luận trong bài viết trên trang Medium.

Nhạc Phong