|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nghệ thuật rao bán ảo tưởng của các dịch vụ gọi xe Uber, Lyft

08:51 | 20/08/2020
Chia sẻ
Tăng hiệu quả trong vận chuyển hành khách, giảm tắc nghẽn giao thông, tạo cơ hội làm việc linh hoạt là những ảo tưởng mà dịch vụ gọi xe như Uber, Lyft rao bán với nhà đầu tư và công chúng.

Elizabeth Warren, một thượng nghị sĩ Mỹ, là người thường xuyên công kích những doanh nghiệp thuộc nền kinh tế tạm bợ (gig economy) vì cho rằng những công ty như Uber, Lyft, GrubHub hay thậm chí tập đoàn Amazon coi người lao động là "đối tác độc lập" chứ không phải nhân viên.

"Việc coi người lao động là đối tác độc lập cho phép doanh nghiệp không phải trả lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nhiều quyền lợi khác của người lao động", bà Elizabeth bình luận.

Brian Merchant, một nhà phân tích ở Mỹ, nhận định trong một bài viết trên Medium rằng một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe thuộc "nền kinh tế tạm bợ" là các tổ chức rao bán ảo tưởng chứ không phải doanh nghiệp.

"Khi mới ra đời, Uber và Lyft tự mô tả họ là các công ty chia sẻ chuyến đi và là một phần quan trọng của nền kinh tế chia sẻ đang bùng nổ", Brian lập luận.

Uber cung cấp dịch vụ "sang trọng" còn Lyft ưu tiên "sự thoải mái, thân thiện với môi trường". Hai doanh nghiệp đều quảng bá họ tạo ra dịch vụ vận chuyển hành khách hiệu quả, thân thiện với các thành phố và giúp giảm tắc nghẽn giao thông. Song chỉ sau vài năm, ảo tưởng ban đầu ấy đã lung lay.

Nghệ thuật rao bán ảo tưởng của các dịch vụ gọi xe Uber, Lyft - Ảnh 1.

Một tài xế ở Mỹ tuyên bố Uber và Lyft nợ anh tới gần 500.000 USD trong một tờ giấy mà anh dán trên cửa ô tô. Ảnh: Marketplace

Đa số chuyến đi của Uber và Lyft là chỉ phục vụ một hành khách. Washington Post dẫn kết quả khảo sát của hãng giao thông Mỹ Fehr & Peers hồi năm 2019 tại Boston, Chicago, Los Angeles, San Francisco và Seattle để chứng minh hoạt động của Uber và Lyft khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông ở đô thị trở nên nghiêm trọng hơn.

Doanh nghiệp thuộc "nền kinh tế tạm bợ" tuyên bố họ đang nuôi dưỡng một mô hình công việc mới mà trong đó người lao động là đối tác độc lập, làm việc theo thời gian linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân. Tuyên bố ấy cũng dẫn tới một thứ ảo tưởng đúng nghĩa. Khảo sát hồi tháng 7/2019 của Đại học California Berkeley chỉ ra rằng hơn 50% đối tác của các ứng dụng gọi xe tại thành phố New York làm việc toàn thời gian.

Kết quả điều tra năm 2020 của Viện Nghiên cứu Lao động và Việc làm Mỹ (IRLE) ở một số thành phố Mỹ cũng cho thấy sinh kế của hầu hết tài xế Uber và Lyft sống phụ thuộc vào việc chở khách hàng ngày. Thậm chí Uber, Lyft mang lại nguồn thu nhập duy nhất cho khoảng 72% tài xế làm việc toàn thời gian.

Trên thực tế, các thuật toán của Uber và Lyft buộc đối tác tuân thủ những qui định về đón, trả khách để nhận đủ thu nhập hoặc thay đổi mức giá để ép tài xế làm việc trong những khung giờ cụ thể. Do đó, họ phải làm việc hàng ngày và chịu giám sát nghiêm ngặt, không hề tận hưởng sự linh hoạt như Uber và Lyft tuyên bố.

Để thu hút vốn của các nhà đầu tư, Uber và Lyft vạch kế hoạch mở rộng toàn cầu, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường trước khi thu lời với qui mô lớn. Nhưng rốt cuộc, sau một thập kỷ, cả Uber và Lyft đều chưa thấy lãi, dù Uber đã tiêu tới 10 tỉ USD của các nhà đầu tư.

Lyft, Uber tuyên bố họ sẽ giúp hàng triệu người ở đô thị có việc làm thêm, cung cấp những lựa chọn giao thông mới. Song các công việc mà Uber và Lyft tạo ra có chất lượng và thu nhập thấp. Đối tác của họ phải làm nhiều giờ trong ngày và nhận mức thu nhập tương đối thấp.

Một nghiên cứu của Đại học California cho thấy thu nhập của tài xế Uber tại Mỹ chỉ khoảng 20.000 USD/năm, rất thấp so với mức thu nhập trung bình năm của người lao động Mỹ (khoảng 33.700 USD hồi năm 2018). 

Dịch vụ gọi xe công nghệ đẩy các tài xế taxi truyền thống vào tình thế khốn khó, trong khi không hề làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị.

Nghệ thuật rao bán ảo tưởng của các dịch vụ gọi xe Uber, Lyft - Ảnh 2.

Người dân tụ tập để phản đối chính sách của Uber tại Mỹ. Ảnh: The Guardian

Nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhấn mạnh rằng mô hình gọi xe của Uber và Lyft gây hại cho những người kiếm sống bằng nghề lái xe chở khách. Những đối thủ của họ - vì phải tuân thủ luật pháp - không thể cạnh tranh với mức giá rất thấp mà họ tạo ra bằng cách "đốt" tiền của nhà đầu tư. 

"Chính quyền bang và các địa phương cũng tổn thất, vì những doanh nghiệp ấy không hỗ trợ thanh toán trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động mất việc bởi mô hình của họ", bà phát biểu.

Cả Uber và Lyft tuyên bố rằng, vài năm tới, các ứng dụng gọi xe sẽ cung cấp dịch vụ xe tự lái hoàn toàn. Có lẽ đây là ảo tưởng lớn nhất. Nhà phân tích Brian Merchant nhận định đây không chỉ là ảo tưởng, mà còn là sự điên rồ. 

"Công nghệ xe tự lái vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, một số xe tự lái thử nghiệm của Uber đã gây tai nạn dẫn tới thiệt hại nhân mạng", Brian nói.

Yếu tố ảo tưởng, mơ mộng đang thống trị tầm nhìn của một số dịch vụ gọi xe, và dường như các nhà đầu tư quên rằng yếu tố quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp như thế hoạt động là đối tác. Nhờ nỗ lực của họ, ứng dụng gọi xe mới có thể mở rộng thị trường, song họ hưởng thành quả bèo bọt nhất. 

Ngược lại, sau khi Uber và Lyft phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, các nhà sáng lập doanh nghiệp và nhà đầu tư ban đầu trở thành tỉ phú chỉ sau một đêm. Sau đó, nhiều nhà đầu tư mất tiền khi giá cổ phiếu của hai công ty lao dốc.

Nhạc Phong