|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phong trào triển khai sàn thương mại điện tử của các hãng gọi xe công nghệ

11:25 | 13/07/2020
Chia sẻ
Grab đã công bố kế hoạch GrabMerchant trong khi TADA thậm chí đã bắt đầu triển khai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Các hãng gọi xe lập sàn thương mại điện tử

Việc các hãng gọi xe, sau một thời gian ban đầu tập trung vào mảng cốt lõi, chuyển hướng sang các mảng kinh doanh khác, không phải là câu chuyện mới. Khi đã xây dựng xong đội ngũ tài xế và một nền tảng khách hàng đủ lớn, những doanh nghiệp ấy sẽ chiếm lợi thế lớn khi cạnh tranh với những đối thủ "truyền thống" trong ngành.

Ban đầu, những mảng kinh doanh mà các hãng gọi xe hướng tới là gọi món hoặc giao hàng. Với một số những hãng có qui mô lớn, thậm chí họ sẵn sàng nhảy vào các mảng nhiều thách thức hơn như thanh toán hay thậm chí ngân hàng số (Grab đã nộp đơn lên cơ quan chức năng tại Singapore xin kinh doanh ngân hàng số hồi đầu năm).

Tuy nhiên, phong trào các hãng gọi xe "nhảy" sang làm sàn thương mại điện tử thật sự bùng nổ trong vài tuần gần đây. Hồi đầu tháng 6/2020, Grab công bố dịch vụ thương mại điện tử tích hợp trên nền tảng Grab Merchant. 

Theo Dealstreetasia, những người kinh doanh mảng đồ ăn (F&B) vốn trước đây dùng GrabFood sẽ dần chuyển sang GrabMerchant, tích hợp cũng những người kinh doanh thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu (GrabMart) và cá thương nhân dùng GrabPay.

Khi các hãng gọi xe làm sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Grab có kế hoạch tích hợp tạo ra nền tảng thương mại điện tử GrabMerchant. Ảnh: Grab

Số liệu của Grab cho biết, 120.000 người dùng tham gia vào các nền tảng trên trong giai đoạn tháng 3 - tháng 5 năm nay. 

Ngoài Grab, một ứng dụng  gọi xe khác cũng đến từ Singapore là TADA đã nhanh chóng triển khai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Mặc dù các mặt hàng trên nền tảng vẫn chưa phong phú, nhưng giống như mảng gọi xe, TADA đang hướng tới một lối đi riêng. 

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, giám đốc phụ trách mảng thương mại điện tử của TADA, MVL (công ty mẹ của hãng gọi xe) sẽ không trực tiếp cạnh tranh với các sàn lớn đang chiếm lĩnh thị trường như Shopee hay Lazada.

"Sàn thương mại điện tử TADA hướng tới cộng đồng dropship, tập trung vào kết nối và cung cấp hậu cần cho nhà cung cấp và các nhà bán lẻ (B2B) nên sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các sàn B2C - vốn tập trung vào khách hàng cuối trên thị trường", ông Dũng tiết lộ.

Hiện tại, TADA đang hoạt động ở 3 quốc gia tại Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam và Campuchia. Tại mỗi quốc gia, MVL sẽ cung cấp các dịch vụ phù hợp với thị trường bản địa. 

Ở Singapore, TADA mới triển khai dịch vụ đi chợ hộ giống như GrabMart, Campuchia là mảng giao nhận trong khi thị trường Việt Nam là mảng thương mại điện tử dropship.

Xu thế của tương lai?

Ra mắt vào giữa năm 2018, FastGo hiện là ứng dụng gọi xe của Việt Nam đầu tiên lấn sân sang thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, FastGo nhận sự hỗ trợ của một hệ sinh thái công nghệ lớn của tập đoàn NextTech, bao gồm các sàn thương mại điện tử.

Giữa năm 2019, Viettel cũng nhanh chóng ra mắt đồng thời hai nền tảng: Sàn thương mại điện tử và ứng dụng gọi xe MyGo. Theo người đại diện công ty, cả hai nền tảng đều hỗ trợ nhau để xây dựng vị trí trên thị trường.

Ứng dụng gọi xe TADA vốn theo đuổi chính sách không thu chiết khấu. Để tạo ra doanh thu, công ty muốn xây dựng hệ sinh thái công nghệ trên nền tảng blockchain. Công ty sẽ thu tiền từ việc kinh doanh dữ liệu với các đối tác thứ ba.

Khi các hãng gọi xe làm sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Vừa gọi vốn thành công 5 triệu USD, TADA ra mắt sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Chính vì thế, việc mở thêm một dịch vụ mang tính kết nối khác (sàn thương mại điện tử) cũng nằm trong chiến lược xây dựng nền tảng dữ liệu của công ty. Về định hướng lâu dài, ông Quốc Dũng tiết lộ hệ sinh thái MVL sẽ xoay quanh các dịch vụ về gọi xe, giao nhận, thương mại điện tử, tạo thêm các giá trị gia tăng cho tài xế và khách hàng.

Việc triển khai sàn thương mại điện tử tại Việt Nam của TADA diễn ra sau khi công ty mẹ nhận 5 triệu USD từ Shinhan Bank và các nhà đầu tư khác. Một thực tế hiển nhiên là xây dựng sàn thương mại điện tử không phải là chuyện đơn giản khi các sàn lớn tại Việt Nam đều chưa báo lãi mà vẫn là các cỗ máy đốt tiền của các cổ đông.

Grab Việt Nam chưa tích hợp các nền tảng vào GrabMerchant. Tuy nhiên, nếu công ty mẹ tại Singapore đã thông báo tích hợp, quá trình triển khai có lẽ sẽ diễn ra trong vòng vài tháng tới.

Hầu hết hãng gọi xe công nghệ đều chưa báo lãi. Việc tiếp tục lấn sân sang một mảng "đốt tiền" khác như thương mại điện tử, hoặc có thể giúp công ty mở rộng thị trường và tập khách hàng, nhưng cũng có thể bào mòn nguồn lực công ty nếu như không có đủ vốn để cạnh tranh. Giống như gọi xe, các sàn thương mại điện tử càng triển khai nhiều đợt khuyến mại càng trở  nên hấp dẫn.

Tiểu Phượng

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.